(Chinhphu.vn) – Bộ Tài chính đề xuất áp dụng đại trà hóa đơn điện tử, thay thế cho hóa đơn giấy từ năm 2018. Cho rằng việc chuyển đổi này là cần thiết và theo kịp xu hướng của thế giới, tuy nhiên, các chuyên gia nhận định cần phải xem xét về lộ trình cụ thể để không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các DN.
Đây là các ý kiến tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 12/9, tại Hà Nội.
Từ 2018 tất cả DN sử dụng hóa đơn điện tử
Nghị định 51/2010/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 14/5/2010. Sau 7 năm thực hiện, Nghị định và các văn bản hướng dẫn đã đạt được nhiều kết quả có thể kể tới như: Tạo ra sự đổi mới trong việc trao quyền tự chủ về hoá đơn cho các DN, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế địa phương trong công tác quản lý hoá đơn; hạn chế tình trạng hoá đơn khống, mua bán lòng vòng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đem lại lợi ích cho DN, cho cơ quan quản lý và toàn xã hội.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, Nghị định 51 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc triển khai rộng rãi, phổ biến áp dụng hoá đơn điện tử trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt.
Vì vậy, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ (Dự thảo Nghị định sửa đổi), dự kiến trình lên Chính phủ trong tháng 10/2017 và đưa vào áp dụng từ ngày 1/1/2018.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ Chính sách thuế, Tổng Cục Thuế (Bộ Tài Chính) cho biết, Dự thảo Nghị định sửa đổi có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng trong áp dụng hóa đơn điện tử.
Cụ thể, Bộ Tài chính dự kiến mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử; đồng thời, có các quy định nhằm hạn chế sử dụng hóa đơn giấy, tiến tới áp dụng đại trà hóa đơn điện tử trong năm 2018. Đối với các DN trước năm 2018 đã sử dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế thì tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử đang áp dụng; các DN có rủi ro cao về thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/1/2018.
Với các tổ chức kinh doanh có mã số thuế trước năm 2018 sử dụng hóa đơn tự in từ hệ thống máy tính phải chuyển qua sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử do DN tự phát hành từ ngày 1/7/2018 còn hóa đơn do DN đặt in trước 1/1/2018 sẽ được tiếp tục sử dụng trong năm 2018…
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi còn đề xuất một số nội dung như bỏ mức ngưỡng 200.000 đồng khi áp dụng hóa đơn điện tử; khi áp dụng hóa đơn điện tử thì không áp dụng hóa đơn giấy, trừ một số trường hợp bất khả kháng khi không có mạng internet…
Băn khoăn tính khả thi
Đưa ý kiến tham luận trong hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết bà rất đồng tình với việc sửa đổi Nghị định 51. Tuy nhiên, bà Cúc cũng bày tỏ băn khoăn, theo lộ trình việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ được thực hiện từ 1/1/2018. “Chỉ còn 3 tháng liệu có đủ để thực hiện công tác truyền thông cho DN chuẩn bị điều kiện để thực hiện cũng như xây dựng được các thông tư hướng dẫn, hoàn thiện cơ sở hạ tầng… hay không?
Bà Cúc cho biết ngoài vấn nạn hóa đơn giả, vẫn có tình trạng là hóa đơn thật, nhưng hàng hóa mua ngoài, nhập lậu, sau đó mua hóa đơn của DN bán hóa đơn, họ vẫn kê khai thuế bình thường, sau đó chuyển tiền vào DN ảo rồi rút tiền khỏi tài khoản mà vẫn được khấu trừ thuế.
“Hóa đơn giấy hay hóa đơn điện tử mà không quản lý được luồng tiền, luồng hàng thì vấn đề này vẫn xảy ra. Đây là vấn đề cần phải xem xét”, bà Cúc nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên của Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, bà Đặng Bình An, Công ty tư vấn N&D đề xuất nên cho áp dụng thử hóa đơn điện tử với một số DN lớn rồi sau đó, khi đủ điều kiện mới áp dụng đại trà, việc này nên lùi lại khoảng 2-3 năm nữa.
Bà An cho rằng những khó khăn của DN khi sử dụng hóa đơn điện tử chưa được đưa vào hồ sơ đề xuất Dự thảo Nghị định sửa đổi. Bà mong muốn cơ quan thuế cần có đánh giá đầy đủ và khách quan về cái được và chưa được của hóa đơn điện tử để làm căn cứ rõ ràng, thuyết phục hơn.
Một vấn đề cũng được bà Đặng Thị Bình An đề cập đến đó là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin-yếu tố rất quan trọng trong việc ứng dụng hóa đơn điện tử, cần được đánh giá cụ thể: Cơ sở dữ liệu đã tốt chưa? Hạ tầng của cơ quan thuế đã phù hợp để áp dụng đại trà hay chưa?
“Khi đi thực tế tại một số địa phương, cán bộ Chi cục thuế cho biết, mã xác thực cơ quan thuế vẫn bị tắc đường truyền, vì vậy cần làm sao để khi áp dụng hóa đơn điện tử đại trà phải thông suốt nếu không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của DN. Tôi cho rằng DN không phải là chuột bạch để thí điểm, cần phải có cơ sở pháp lý thật vững chắc bởi một khi ách tắc gây thiệt hại cho DN”, bà An nêu quan điểm.
Trả lời những ý kiến về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử từ 1/1/2018 không phải trên đại bộ phận mà chỉ yêu cầu áp dụng ngay với những DN đã áp dụng hoá đơn điện tử hoặc DN có rủi ro cao.
Đối với những DN sử dụng hóa đơn tự in từ hệ thống máy tính, ngành thuế sẽ tổ chức các hội thảo, diễn đàn riêng, xây dựng các quy định cụ thể để hướng dẫn, hỗ trợ DN thực hiện, dự kiến từ 1/7/2018 mới phải áp dụng.
Bà cũng cho biết, ngành thuế cam kết sẽ hỗ trợ tối đa để việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.
Thu Hương/Báo Chính Phủ