Sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất nằm ở hai kênh mobile-banking và internet-banking, tuy nhiên giá trị giao dịch còn thấp so với tổng giá trị thanh toán (15%). Về ví điện tử, cuối năm 2018 đã có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán qua ví điện tử.
Với chủ đề “Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt”, Banking Việt Nam 2019 diễn ra sáng 30/5 tại Hà Nội thu hút sự quan tâm của giới tài chính ngân hàng, các công ty Fintech, và các cơ quan quản lý nhà nước.
Thuật ngữ “tài chính toàn diện” hay “tài chính bao trùm” được nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua. Hiểu một cách nôm na, tài chính toàn diện là việc các cá nhân, doanh nghiệp có thể tiếp cận được các sản phẩm tài chính hữu ích với chi phí hợp lý nhất.
Hiện nay đã có trên 70 quốc gia trên thế giới thực hiện chiến lược tài chính toàn diện. Liên hợp quốc đã nhấn mạnh tài chính toàn diện là một trong những giải pháp quan trọng để đạt 7 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Thanh toán qua QR PAY trên nền tảng di động đem lại nhiều tiện lợi cho người dùng.
Nghị quyết 01 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện phát triển kinh tế xã hội năm 2019 đã đưa việc xây dựng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, thực hiện trong năm 2019.
Theo ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), điều kiện cần của nền tài chính toàn diện là phải thúc đẩy được thanh toán không dùng tiền mặt.
Phó Thống đốc NHNN cho biết, hạ tầng thanh toán quốc gia đã đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển của nền kinh tế với giá trị xử lý trong năm 2018 gấp 13 lần GDP.
Hạ tầng thanh toán bán lẻ được kết nối liên thông với các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán, xác thực sinh trắc học, vân tay, khuôn mặt,… Thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh QR Code; thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ với tốc độ nhanh và tạo sự tiện lợi cho người dân.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN.
“Tuy nhiên, thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển thanh toán điện tử trong giai đoạn tới cần chú ý xu hướng số hóa dịch vụ ngân hàng, lấy khách hàng làm trung tâm, khách hàng có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng liên tục mọi lúc, mọi nơi trên nhiều loại thiết bị di động.” Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nói.
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng tăng nhanh từ 21% năm 2011 lên 30,7% năm 2017. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ cho phép chúng ta ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào các dịch vụ tài chính với chi phí thấp, tạo điều kiện cho mọi người dân có thể sử dụng được những dịch vụ này.
Bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – cho biết, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng tiền gửi và dư nợ tín dụng trong nền kinh tế vẫn duy trì mức trên 10%. Tỷ trọng tiền gửi/GDP và tỷ trọng tín dụng/GDP cũng cho thấy quy mô của nền tài chính Việt Nam so với GDP ở mức khá cao.
Bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Kết quả của thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể và đáng ghi nhận. Tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông/tổng phương tiện thanh toán tính đến tháng 11/2018 đạt 11,57%, giảm đáng kể so với con số 14,02% năm 2010.
Mức độ sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cũng ngày càng tăng. Tính đến tháng 9/2018, số lượng thẻ ngân hàng đạt mức 147,3 triệu thẻ, số lượng máy ATM và máy POS cũng có sự tăng trưởng rất tốt.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất nằm ở hai kênh mobile banking và internet-banking, tuy nhiên giá trị giao dịch còn thấp so với tổng giá trị thanh toán (15%). Về ví điện tử, cuối năm 2018 đã có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán qua ví điện tử.
Nguồn: World Bank 2017.
Đánh giá một cách tổng quan, bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam thời gian qua đã có những thành tựu đáng kể. Khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng gia tăng; kênh cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại hơn và đa dạng hơn; sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử ngày càng phong phú về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều hạn chế như: Mức độ tiếp cận dịch vụ của người dân còn thấp so với mặt bằng chung của các quốc gia có cùng trình độ phát triển trong khu vực; Mức độ tiếp cận dịch vụ không đồng đều giữa các nhóm dân cư và tổ chức kinh tế; Tỷ lệ người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử còn ở mức thấp so với khu vực (23%).
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, bối cảnh mới đòi hỏi các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới, dựa trên dữ liệu big data và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích khách hàng, qua đó cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với giá cả hợp lý; sử dụng công nghệ tiên tiến bảo vệ bí mật khách hàng, ngăn ngừa tấn công mạng,…
Theo infonet.vn