• English

Tin thị trường

Thách thức đổi mới cơ cấu nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0

VTV.vn - Theo ước tính của ILO, 86% lao động ngành công nghiệp dệt may và giày dép ở Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao do cách mạng công nghiệp 4.0.

Sự đột phá của các hệ thống quản lý ảo đã tạo ra một làn sóng và trở thành công cụ để phát triển kinh tế. Người ta gọi đó là   cách mạng công nghiệp 4.0.  Gọi là 4 chấm bởi nó tiếp nối sau cuộc cách mạng lần thứ nhất gắn với cơ khí hóa, lần thứ 2 gắn với điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt, lần thứ 3 gắn với công nghệ thông tin và tự động hóa. Đặc tính nổi bật đầu tiên của cách mạng 4.0 đó là tốc độ, đặc biệt máy móc không chỉ thay thế công việc chân tay, mà đang học cả cách tư duy như con người.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có tới 86% lao động ngành công nghiệp dệt may và giày dép ở Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao do những đột phá về công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.

Chiếc máy đính cúc áo có năng suất gấp đôi so với một công nhân dệt may, trong khi chi phí ban đầu chỉ mất 1 năm để thu hồi chi phí đầu tư. Không chỉ đẩy mạnh tự động hóa, Tổng Công ty May 10 đã bắt đầu quá trình số hóa được 3 tháng nay, từ khâu thiết kế, sản xuất, cho tới giao hàng.

Giám đốc cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam nhấn mạnh, xu hướng sản xuất tự động hóa trên toàn cầu sẽ làm giảm lương, do người công nhân phải cạnh tranh với máy móc, và với chính cả những người đã mất việc do máy móc.

Đối với ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam, ước tính mỗi năm, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng đều đặn gần 50%, trong khi thực tế với 500.000 ứng viên công nghệ thông tin ra trường, chỉ có 8% đáp ứng được nhu cầu này. Thực tế này cho thấy chất lượng của nguồn lao động có kỹ thuật hiện đang trở thành đòi hỏi bức thiết.

Một thực tế đáng lo ngại, theo đại diện UNDP Việt Nam, các nhà đầu tư đang trở lại đầu tư vào Mỹ, trong đó bang California sẽ trở thành thủ phủ của ngành công nghiệp. Hay như Adidas đã lên kế hoạch ngay trong năm nay, xây dựng nhà máy sản xuất giày dép tại Đức, chứ không phải tại một quốc gia có nhân công giá rẻ nào khác.

Trung tâm Tin tức VTV24

Đăng ký nhận tin
KienlongBank