• English

Tin thị trường

TCTD không được mua trái phiếu có mục đích cơ cấu lại nợ của DN

NHNN lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) mua trái phiếu DN, trong đó có đưa ra quy định trên. 

Theo đó Dự thảo thông tư bổ sung thêm quy định vào nguyên tắc mua trái phiếu DN (bổ sung điểm đ vào khoản 2 điều 3). Cụ thể, TCTD phải quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này phù hợp với tình hình đánh giá của TCTD theo từng thời kỳ.

Đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao theo đánh giá của TCTD nhằm kịp thời phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật và đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Dự thảo bổ sung quy định: Các TCTD không được mua  trái phiếu phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.

Lý giải cho các quy định này, NHNN Việt Nam cho biết, tại Điều 3 Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp và cơ cấu lại khoản nợ của doanh nghiệp.

Theo đó, thời gian qua đã phát sinh việc nhiều TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích để cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ.

Bên cạnh đó, hoạt động mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành nhằm mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực có rủi ro cao, như kinh doanh bất động sản, chứng khoán... cũng sẽ phát sinh rủi ro cho hoạt động của TCTD. 


Đăng ký nhận tin
KienlongBank