• English

Tin thị trường

Tăng trưởng tốt, dấu ấn doanh nghiệp Việt đang dần rõ nét hơn

Trong khi lĩnh vực Nông nghiệp và Dịch vụ trong quý III/2018 giảm tốc thì sự cải thiện của lĩnh vực Công nghiệp "Times New Roman" và Xây dựng (với mức tăng trưởng +8,61%, cao hơn so với mức tăng +8,4% của quý II) đã giúp tăng trưởng GDP quý III có được mức + 6,88%, cao hơn so với quý II.

Trong Công nghiệp và Xây dựng, đáng chú ý nhất là sự cải thiện của ngành Xây dựng với mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm là +9,2%. Trong khi đó Công nghiệp Chế biến chế tạo - ngành có tỷ trọng giá trị lớn nhất trong GDP - đi ngang với tăng trưởng +12,1% còn Khai khoáng giảm -3,3% (quý II giảm -3,1%).

Theo báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 10 của Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa công bố, sự cải thiện của ngành Xây dựng có thể xuất phát từ sự cải thiện trong giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là giải ngân đầu tư công.

Quý III/2018, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 507 nghìn tỷ đồng, tăng +12,5% so với cùng kỳ và đạt mức cao nhất 4 quý vừa qua. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt mức tăng ấn tượng +14,9%, tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng của 2 quý trước đó. Nguồn vốn đầu tư tư nhân (chiếm tỷ trọng lớn nhất) cũng cải thiện nhẹ và vươn lên mức cao nhất nhiều năm, khi tăng tới +18,8%.

“Sự bù đắp của 2 nguồn vốn này cho FDI là minh chứng cho sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung hơn vào nội lực. Tăng tốc giải ngân vốn ngân sách cũng là một dấu hiệu tích cực bởi nguồn lực tài khóa đang đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng khi dư địa tiền tệ hẹp lại. Mặt khác, điều này cho thấy việc tháo gỡ các nút thắt trong giải ngân đầu tư công đang có tiến triển tốt”, báo cáo của SSI nhận định.

Cũng theo báo cáo này, mặc dù đóng góp của ngành Xây dựng là đáng ghi nhận, nhưng ngành Công nghiệp chế biến chế tạo - có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP - mới thực sự là bệ đỡ để có được sự cải thiện trong quý III.

Đáng chú ý, trong khi Điện thoại và công nghiệp Điện tử là cấu phần quan trọng nhất trong ngành Công nghiệp chế biến chế tạo có dấu hiệu giảm sút thì sự cải thiện ở các ngành sản xuất khác (nhờ các chính sách đúng đắn) cũng như “may mắn” từ môi trường bên ngoài đã giúp cho Công nghiệp chế biến chế tạo vững vàng.

Đơn cử về chính sách, hàng loạt các quy định có tính bảo hộ với ngành sản xuất Ô tô và Dược phẩm trong thời gian qua đã phát huy tác dụng. Ngành sản xuất Xe có động cơ liên tục có cải thiện, sau 9 tháng đã vươn lên +16,3%, cao nhất 21 tháng. Tương tự, ngành Dược đạt +25,9%, cao nhất nhiều năm.

Về cơ may, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và việc Trung Quốc giảm sản lượng các ngành công nghiệp ô nhiễm (thép) hay nhân công giá rẻ (dệt may) đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt nam. Xuất khẩu Dệt may 9 tháng tăng tới +17,1%, cao nhất kể từ năm 2015; còn Sắt thép là +51,5%, duy trì tốc độ cao có được từ năm 2017.

Dấu ấn của doanh nghiệp Việt Nam cũng đang dần rõ nét hơn. Như trường hợp Thaco từ chỗ chiếm 36,8% thị phần ô tô 8 tháng 2017 đã vươn lên 39,5% trong 8 tháng năm 2018.

“Với tốc độ đầu tư và hiệu quả sản xuất cao, kỳ vọng khối tư nhân trong nước sẽ tăng tỷ trọng và ảnh hưởng, cân bằng lại vị thế của khối FDI trong cơ cấu kinh tế chung”, báo cáo này kỳ vọng.

Tựu chung lại từ số liệu vĩ mô 9 tháng, đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan hơn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 mà điểm nhấn chính nằm trong ngành công nghiệp.

Tuy vậy, đi cùng những kết quả này là những rủi ro không thể bỏ qua. Ngành nông nghiệp không còn giữ được phong độ cao như 2 quý đầu năm; ngành du lịch đang đối mặt với thách thức từ sự giảm tốc nhanh của khách du lịch quốc tế; áp lực gia tăng từ môi trường bên ngoài nhiều bất ổn hơn...

Báo cáo của SSI khuyến nghị, cùng với sự hồi phục của đầu tư công, việc thúc đẩy tăng trưởng duy trì ở mức cao của đầu tư tư nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là cơ sở cho sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào FDI và tăng dần tỷ trọng của khối tư nhân trong nước.

“Tốc độ đầu tư nhanh và hiệu quả sản xuất cao, khối tư nhân với sự dẫn dắt của “Đàn Sếu Lớn” hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi nhanh chóng cho nền sản xuất cũng như dịch vụ của Việt Nam, tạo nền tảng cho tăng trưởng cao và bền vững trong các năm tiếp theo”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân, SSI bình luận.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank