Những năm gần đây tín dụng tăng trưởng được kiểm soát theo mục tiêu nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy các giải pháp chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đi đúng hướng.
Từ năm 2016 đến nay tín dụng đều có mức tăng trưởng dương. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước gửi các đại biểu Quốc hội cho thấy nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, từ năm 2016 đến nay, tín dụng đều có mức tăng trưởng dương ngay từ những tháng đầu năm và có mức tăng trưởng bình quân năm trên 16%.
Theo đó, tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2016 đạt 18,25%; năm 2017 là 18,28%; năm 2018 đạt 13,89% và năm 2019 đạt 13,65%.
Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế như sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Những năm gần đây, tín dụng tăng trưởng phù hợp, được kiểm soát theo mục tiêu nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao, cho thấy các giải pháp, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã đi đúng hướng, vừa đảm bảo mở rộng tín dụng hiệu quả, an toàn, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Giai đoạn 2016-2019, tín dụng đối với ngành công nghiệp bình quân tăng 9,17%/năm, chiếm trên 20% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng ngành xây dựng bình quân tăng 12,76%, chiếm 9,64%; tín dụng ngành thương mại dịch vụ tăng trưởng ổn định đạt mức trung bình khoảng 18,6%, chiếm từ 57%-62,5%, trong đó, ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ôtô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác là ngành có dư nợ cao nhất, chiếm từ 16,7%-20,5%.
Cũng trong giai đoạn 2016-2019, bình quân tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 19,83%, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 16,69%, chiếm 19%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 7%, chiếm 3,2%; công nghiệp hỗ trợ tăng 19,57%, chiếm 2,81%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,6%, chiếm 0,42%.
Riêng những tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, cầu tín dụng ở mức thấp nên tăng trưởng tín dụng thấp hơn các năm trước (đến cuối tháng Một tăng 0,1% so với cuối năm 2019, đến cuối tháng Hai tăng 0,17% so với cuối năm 2019). Tuy nhiên, nhờ kịp thời triển khai các giải pháp đồng bộ, tín dụng từng bước được cải thiện và đến cuối tháng Chín, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 6,09% so với cuối năm 2019.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh…
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 28/9, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272.115 khách hàng với dư nợ 331.013 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 493.815 khách hàng với dư nợ 1.161.315 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1.758.224 tỷ đồng cho 315.272 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5%-2,5% so với trước dịch.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 163.044 khách hàng với dư nợ 4.086 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 75.209 khách hàng với dư nợ 1.567 tỷ đồng, cho vay mới đối với 1.591.918 khách hàng với dư nợ 58.728 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cho vay bằng ngoại tệ; khẩn trương xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 đối với các tổ chức tín dụng đáp ứng tốt các tỷ lệ bảo đảm an toàn và có khả năng mở rộng tín dụng nhưng không làm tăng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Ngoài ra, các ngân hàng phải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.../.
Theo vietnamplus.vn