• English

Tin thị trường

Tăng trưởng tín dụng: Chất lượng là yếu tố tiên quyết

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, năm 2018, NHNN sẽ tiếp tục triển khai tích cực việc kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tiêu dùng, bất động sản, chứng khoán.

Đi vào thực chất

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), tăng trưởng tín dụng quý I/2018 so với cuối năm 2017 là 3,5%, thấp hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ 2017 là 4,3%. Cơ quan này cũng cho biết vốn huy động tăng tốt, song tín dụng tăng chậm hơn cùng kỳ năm 2017. Còn theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) tiến hành vào tháng 3/2018, các TCTD kỳ vọng dư nợ tín dụng của hệ thống NH tăng trưởng 4,85% trong quý II/2018 và tăng 16,3% trong năm 2018. Kỳ vọng này thấp hơn so với mục tiêu đặt ra tăng trưởng tín dụng toàn Ngành năm 2018 là 17%. Như vậy, liệu NHNN có đạt được mục tiêu đặt ra hay không?

Trò chuyện với một số chuyên gia, phần lớn đều khẳng định: NHNN có thể đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay. Một chuyên gia chia sẻ: Nhìn vào số liệu tăng trưởng tín dụng công bố của UBGSTCQG thì đã cao hơn đáng kể so với con số được Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó, chỉ ở mức 2,23% tại thời điểm 20/3/2018. Như vậy, chỉ trong vòng khoảng 10 ngày tín dụng đã tăng thêm gần 1,3%. Hơn nữa, sự chững lại của tăng trưởng trong quý đầu năm cũng có thể giải thích do yếu tố mùa vụ.

Các chuyên gia nhận định: Con số chỉ là một phần, quan trọng là chất lượng tín dụng. Ngay cả với những người sử dụng vốn cũng vậy, những công ty, DN, cá nhân đi vay nếu sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả thì tốt hơn việc có nhiều tiền nhưng lại sử dụng không hợp lý. Đồng vốn vay có phát huy hiệu quả hay không cũng có phần liên quan tới chức năng của NHTM trong việc xét duyệt tín dụng một cách chặt chẽ.

“Một điểm phải nhấn mạnh nhiều lần rằng, nếu chỉ quan tâm tới nguồn trả nợ từ tài sản thế chấp sẽ là sai lầm lớn trong chính sách tín dụng của các NHTM. Đặt chỉ tiêu tín dụng cho các NHTM là điều cần thiết, nhưng cũng có thể rơi vào trường hợp “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, chỗ quá thừa, chỗ lại thiếu. Trong tương lai, NHNN có thể xem xét điều chỉnh tín dụng trên phương diện vĩ mô toàn hệ thống qua điều hành công cụ của chính sách tiền tệ chứ không quá nhất thiết phải áp mục tiêu cho các NH”, một chuyên gia nêu quan điểm.

Vị này cũng cho rằng, các NH ngày càng nhận thức rõ hơn chất lượng tín dụng mới là yếu tố chính yếu; và việc tập trung nguồn vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tăng trưởng bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Báo cáo của UBGSTCQG cũng cho thấy tín dụng trung, dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại trong các tháng đầu năm.

Với quý I/2018, tín dụng trung, dài hạn tăng 4,3%; tín dụng ngắn hạn tăng thấp hơn 2,6%. Theo đó, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tăng từ mức 52,8% vào cuối năm 2017 lên 53,2% tính đến thời điểm cuối tháng 3, tương đương hơn 3,58 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn này nếu tập trung đầu tư tư liệu sản xuất trong sản xuất kinh doanh, dùng được nhiều chu kỳ sản xuất (hay tài sản cố định) thì sẽ giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của DN tăng trưởng và mở rộng. Song cũng phải kiểm soát nếu dòng tiền này phục vụ cho lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản…

Giám sát chặt tín dụng tiêu dùng

NHNN luôn đặt mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, năm 2018, NHNN sẽ tiếp tục triển khai tích cực việc kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tiêu dùng, bất động sản, chứng khoán.

Một thực tế cho thấy, rất nhiều tín dụng tiêu dùng thực chất là để đầu tư bất động sản và chứng khoán. Khách hàng nói với NH là vay tiêu dùng, NH nắm được tài sản thế chấp và quyết định giải ngân. Nhưng dòng tiền này lại được sử dụng chạy vào bất động sản, chứng khoán. Đây là rủi ro của cả nền kinh tế. Chính vì thế, số liệu công bố về tín dụng tiêu dùng cũng chưa thật sự thực chất, bởi không cộng được chính xác nguồn vốn vay tiêu dùng nhưng sử dụng cho đầu tư bất động sản. Theo chuyên gia, việc theo dõi, quan sát, quản lý rủi ro về vấn đề này không thể chỉ đặt trên vai của NHNN mà là trách nhiệm của toàn nền kinh tế. Thậm chí bản thân mỗi DN cũng phải nhận thức và tự kiểm soát dòng tín dụng của mình. “Một con số thống kê với lĩnh vực này không chính xác sẽ tạo ra ảo ảnh về tăng trưởng tín dụng”.

Để quản lý tín dụng tiêu dùng hiệu quả hơn, phải có quy định xác định được tín dụng tiêu dùng, nói nôm na là “đem tín dụng tiêu dùng thực chất đi mua bất động sản, chứng khoán ra khỏi tín dụng tiêu dùng, đặt vào đúng lĩnh vực đầu tư”. Đồng nghĩa với việc phương pháp tính toán, theo dõi, quản lý phải được thay đổi. Cùng với đó, một chuyên gia tài chính quản lý rủi ro tín dụng tiêu dùng buộc các NH phải thay đổi tư duy của họ, không thể nhìn vào tài sản thế chấp mà phải tính toán một cách chính xác khả năng trả nợ của khách hàng.

Ở một khía cạnh khác, xu hướng thành lập các công ty tài chính phục vụ cho vay tiêu dùng không phải là điều đơn giản. Chưa kể việc vẫn có tư duy cho rằng lĩnh vực này ít rủi ro, nếu có thì tác động tới nền kinh tế và xã hội không lớn, bởi không liên quan tới tiền gửi dân chúng.

Song như TS. Lê Xuân Nghĩa cũng từng trao đổi, nhiều loại hình công ty này ra đời hàng loạt và hoạt động quy mô lớn thì rủi ro lại khá cao. Bởi khi đó, nền kinh tế sẽ mất đi một nguồn vốn lành mạnh, đáng ra được đầu tư hiệu quả thì lại khiến cho một thị trường nào đó nóng lên như bất động sản hay chứng khoán... Khi vỡ thì bong bóng sẽ để lại rất nhiều hệ lụy.

Theo chuyên gia này, công ty tài chính tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào tín dụng tiêu dùng nhưng phải hết sức cẩn trọng. Trường hợp của Thái Lan hay Trung Quốc là những bài học điển hình. Ở thời kỳ đỉnh cao, mỗi tỉnh của nước này đều có công ty tài chính đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bất động sản, chứng khoán... Và khi bong bóng vỡ, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 với sự phá sản của hàng loạt công ty tài chính.

Thời báo Ngân hàng


Đăng ký nhận tin
KienlongBank