Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 10/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 9,97% so với cuối năm 2018. Cơ quan này nhấn mạnh nguồn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng với tỷ trọng khá lớn, khoảng 49,8% tổng dư nợ, tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống.
10 tháng, tăng trưởng tín dụng đạt 9,97%
Theo thông tin cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 10/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 9,97% so với cuối năm 2018.
Đến cuối tháng 10/2019, dư nợ cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp đạt 4,2 triệu tỷ đồng, chiếm 53,44% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 7,19% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp tư nhân đạt 3,45 triệu tỷ đồng, chiếm 43,76% tổng dư nợ nền kinh tế và chiếm 81,88% tổng dư nợ khối doanh nghiệp, tăng 8,99% so với đầu năm.
Cùng thời gian, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 1,49 triệu tỷ đồng, chiếm 18,84% dư nợ nền kinh tế, chiếm 35,28% tổng dư nợ khối doanh nghiệp, tăng 13,8% so với đầu năm với 198.268 doanh nghiệp còn dư nợ.
Theo cơ cấu ngành kinh tế, dư nợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 41%; thương mại và dịch vụ là 54%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 5% trên tổng dư nợ.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng được tập trung vào sản xuất kinh doanh, 5 lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro "được kiểm soát ở mức hợp lý".
Vốn tín dụng ngân hàng vẫn là kênh tài trợ chủ yếu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện doanh nghiệp vừa và nhỏ ít có khả năng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, trong khi các nguồn vốn hỗ trợ có nguồn từ ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ quốc tế còn hạn chế.
"Tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng qua các năm và hiện đang cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung", Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Về nguồn vốn trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh nguồn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng với tỷ trọng khá lớn, khoảng 49,8% tổng dư nợ.
"Thực trạng trên đã và đang tạo sức ép, rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng, gây mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn", Ngân hàng Nhà nước nhận định.
Cơ quan này cho biết thời gian tới sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tín hiệu thị trường và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, qua đó tạo nền tảng hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán.
Cùng với đó, điều hành tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nhanh, bền vững các phân đoạn thị trường tài chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Theo antt.nguoiduatin.vn