Theo ghi nhận của Báo cáo, sản lượng tivi tháng 8 bất ngờ tăng mạnh lên 1,5 triệu chiếc, tăng 28% so với tháng 7 và phá vỡ kỷ lục trước đó là 1,26 triệu chiếc vào tháng 12/2017.
Nhờ đó, chỉ số công nghiệp điện tử đã có phần khởi sắc với mức tăng 21,7% so với cùng kỳ, kéo chỉ số chung 8 tháng lên 17,7%, xấp xỉ bằng mức 6 tháng nhưng vẫn thấp hơn nhiều quý I là 29,3%. Nhưng ngược với tivi, sản lượng điện thoại di động tháng 8 giảm 15,4% so với cùng kỳ.
Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp điện tử đưa ra bức tranh tích cực, số liệu xuất nhập khẩu linh kiện và thành phẩm điện tử lại không cho thấy sự cải thiện. Tăng trưởng của cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu sản phẩm điện tử và linh kiện đều đang chậm dần trong đó nhập khẩu chỉ tăng 13,7%, mức thấp nhất 19 tháng. Tương tự, tăng trưởng xuất khẩu điện thoại đang ở mức thấp nhất 13 tháng.
Tăng trưởng xuất, nhập khẩu điện thoại có mối liên hệ chặt chẽ với tăng trưởng của ngành công nghiệp điện tử do giá trị sản xuất của điện thoại rất lớn. Ngay cả khi sản xuất tivi có tăng trưởng khả quan thì chỉ số công nghiệp điện tử vẫn bám rất sát với tăng trưởng xuất khẩu điện thoại.
Với tốc độ xuất, nhập khẩu điện thoại đang ở mức tương tự như thời kỳ cuối 2016, đầu 2017, nhiều khả năng chỉ số công nghiệp điện tử trong quý III cũng sẽ dao động trong khoảng 16-17%, xấp xỉ quý II và thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ 2017 là 25,1%.
Các bệ đỡ cho tăng trưởng công nghiệp tiếp tục tốt
Trong đó, những ngành có tăng trưởng khả quan tiếp tục duy trì tốc độ ổn định, bao gồm Lọc hóa dầu, Dệt may, Dược, Ô tô và Thép.
Việc đưa vào vận hành nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không chỉ mang đến tăng trưởng cao đột biến cho chỉ số công nghiệp sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế (60,8%) mà còn giảm nhập siêu từ nhập khẩu xăng dầu.
Nếu như trung bình 6 tháng đầu năm, lượng xăng dầu nhập khẩu là 1,2 triệu tấn/tháng thì trung bình 2 tháng 7 và 8, lượng xăng dầu nhập khẩu giảm xuống còn 810 nghìn tấn/tháng. Giá trị nhập khẩu xăng dầu cũng giảm xuống 550 triệu USD/tháng, thấp hơn trung bình 6 tháng đầu năm là 780 triệu USD/tháng, dù giá dầu thế giới tăng.
Chỉ số công nghiệp sản xuất xe có động cơ tháng 8 tăng lên 28,9%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2017 tiếp tục cho thấy sự cải thiện của ngành sản xuất ô tô trong nước. Dẫu vậy cũng cần phải lưu ý lượng xe ô tô nguyên chiêc nhập khẩu đang tăng nhanh. Tháng 8, giá trị nhập khẩu đã tăng lên tới 186 triệu USD, bằng cùng kỳ 2017.
Chỉ số công nghiệp may mặc cũng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2016, tăng 17,2%. Điều này cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có ảnh hưởng đến công nghiệp dệt may của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu hàng dệt may đã tăng đều đặn 5 tháng liên tiếp và tháng 8 lập kỷ lục 2,9 tỷ USD.
Với lợi thế nhiều hiệp định FTA và bù lấp khoảng trống mà doanh nghiệp Trung Quốc để lại, tăng trưởng ngành dệt may hứa hẹn tiếp tục khả quan trong phần còn lại của năm 2018.
Ngành khai khoáng khả quan hơn
Điểm nhấn rõ nét trong năm 2018 với ngành khai khoáng là giá hàng hóa tăng, không chỉ ở giá dầu mà còn nhiều loại khoáng sản khác. Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố trong tháng 8 lần đầu công bố 1 mặt hàng mới là Alumin, sản phẩm chế biến từ quặng bô-xít nhôm với nguồn cung chính từ khu vực Tây Nguyên.
Theo đó, sản lượng Alumin tháng 8 là 106 nghìn tấn, tăng 54,2% so cới cùng kỳ và tính chung 8 tháng là 843 nghìn tấn, tăng 25,2% so với cùng kỳ. Giá Alumin tăng rất mạnh trong những tháng gần đây do các nhà cung cấp chính tại Nga và Brazil giảm sản lượng là tiền đề cho khai khoáng nhôm của Việt Nam đẩy nhanh sản xuất.
Xuất khẩu dầu thô của Việt nam tháng 8 đạt 250 triệu USD với giá xuất trung bình 60,9 USD/tấn, cao hơn tháng 7 là 57,8 USD/tấn và trung bình 8 tháng là 57 USD/tấn. So với cùng kỳ 2017, lượng dầu thô xuất khẩu đã giảm mạnh 44%, từ 4,74 triệu tấn xuống còn 2,64 triệu tấn nhưng giá trị xuất khẩu chỉ giảm 20%, từ 1,87 tỷ USD xuống còn 1,5 tỷ USD.
Khai thác dầu thô của Việt Nam vẫn đang giảm nhưng tốc độ giảm đã chững lại. Sản lượng khai thác trong tháng 8 đạt 1,01 triệu tấn sau 2 tháng dưới ngưỡng 1 triệu và cũng là mức thấp nhất nhiều năm.
Tăng trưởng mạnh nhất trong ngành khai khoáng là than. Sản lượng than khai thác trong tháng 8 đạt 3,15 triệu tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ và tính chung 8 tháng khai thác than đã đạt 28,5 triệu tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ.
Giá than thế giới không tăng nhưng khai thác than vẫn được tận dụng để thúc đẩy tăng trưởng ngành khai khoáng nói chung.
Với sự hỗ trợ của các loại khoáng sản khác ngoài dầu khí, ngành khai khoáng tháng 8 tiếp tục có tăng trưởng dương.
Đây là tháng thứ 2 liên tiếp ngành có tăng trưởng dương sau 8 tháng liền bị âm. Nhờ vậy, tăng trưởng công nghiệp khai khoáng 8 tháng chỉ còn giảm 0,3%, thấp hơn đáng kể 6 tháng với mức giảm là 1,3% và đặc biệt là cùng kỳ với mức giảm 6,9%.
Với đà sản xuất khoáng sản ổn định và mặt bằng giá hàng hóa cao, ngành khai khoáng sẽ bớt là gánh nặng cho tăng trưởng nói chung trong quý III.
Dịch vụ tăng trưởng ổn định ngoại trừ du lịch
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 là 1,3 triệu lượt khách, chỉ tăng 7,7% so với cùng kỳ, mức tăng trưởng thấp nhất nhiều năm do khách từ Trung Quốc giảm 1,7% (cùng kỳ tăng 53%).
Sau nhiều năm tăng trưởng rất cao, lượng khách Trung Quốc lần đầu tiên giảm nguyên nhân là do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm đồng nhân dân tệ mất giá, kéo giảm nhu cầu của người Trung Quốc.
Số liệu khách du lịch là cảnh báo sớm cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa nói chung sang Trung Quốc trong tháng 8 cũng như trong thời gian còn lại của năm, khi chiến tranh thương mại leo thang.
Ngành vận tải là ngành dịch vụ có cải thiện tích cực và rõ ràng nhất nhờ tăng trưởng lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.
Xuất khẩu các mặt hàng có khối lượng lớn gồm gạo, dệt may, than, xi măng, sắt thép đều có tăng trưởng rất cao, từ đó kéo theo tăng trưởng ngành vận tải biển - ngành có tỷ trọng luân chuyển hàng hóa lớn nhất.
Tám tháng đầu năm, tăng trưởng luân chuyển hàng hóa đường biển đã đạt 4,7%, mức cao nhất nhiều năm. Với xu hướng hiện tại, lĩnh vực dịch vụ của quý III sẽ có cải thiện nhưng không nhiều so với quý II.
Lưu ý tác động của chiến tranh thương mại
Tuy nhiên, báo cáo này tiếp tục nhấn mạnh rủi ro từ chiến tranh thương mại. Do sự đối đầu có tính chiến lược giữa hai cường quốc khiến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ khó sớm chấm dứt. Điều này đang đẩy cao rủi ro cho Việt Nam, một quốc gia có độ mở của nền kinh tế rất lớn.
Trong nhiều năm qua dòng tiền nước ngoài, thông qua đầu tư và thị trường xuất khẩu đã là chỗ dựa cho tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định vĩ mô của Việt Nam. Nếu chỗ dựa này yếu đi, Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào nội lực với 2 nhóm giải pháp kích cầu và kích cung.
Trong đó, về kích cầu cần chú ý vào kích cầu tài khóa thông qua tháo gỡ các rào cản pháp lý để khơi thông nhanh nguồn vốn đầu tư phát triển đang bị ách tắc tại Kho bạc Nhà nước.
Bên cạnh đó, do dư địa kích cầu không còn nhiều nên giải pháp căn cơ để phát triển kinh tế là kích cung. Trước mắt, bảo hộ chính là một giải pháp kích cung nhưng giải pháp này sẽ không hiệu quả nếu doanh nghiệp trong nước chưa đủ sức cạnh tranh.
Chính vì vậy, trong kích cung một hướng đi cần chú trọng xây dựng và phát triển “Đàn Sếu Lớn” - một hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Đây sẽ là đầu tàu kéo tăng trưởng thông qua các sản phẩm có thể thay thế được hàng nhập khẩu và/hoặc tiến tới xuất khẩu.
“Trong nguy luôn có cơ. Mặc dù chiến tranh thương mại mang đến nhiều rủi ro nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam củng cố nội lực, thúc đẩy sáng tạo và đổi mới, tạo ra một nền tảng vững chắc để có tăng trưởng cao và bền vững trong tương lai”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của SSI nhận định.