Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo sẽ ở mức 6,7% trong năm 2019 và giảm xuống 6,2% vào năm 2020, theo Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales.
Tăng trưởng chung chậm lại
Theo báo cáo Tiêu điểm kinh tế Đông Nam Á mới nhất của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW): dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn khu vực Đông Nam Á (ĐNÁ) sẽ giảm nhẹ xuống 4,8% từ 5,1% của năm 2018, do tăng trưởng xuất khẩu giảm trong bối cảnh gia tăng bảo hộ mậu dịch và nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm. Trái lại, nhu cầu trong nước và chính sách tài khóa nới lỏng sẽ là những yếu tố góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực.
Ngay từ đầu năm, các nền kinh tế trong khu vực đã có dấu hiệu tăng chậm, do sự suy yếu của các hoạt động kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2018. Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trong khu vực sụt giảm từ tháng 12/2018, so với cùng kỳ giảm 2,3%, sau kết quả thấp của tháng 11 (2,2%). Đà giảm xuất khẩu này diễn ra rộng khắp, trong đó chỉ có Malaysia là có mức tăng hàng năm dương. Dù số liệu của Singapore và Trung Quốc có cho thấy sự gia tăng xuất khẩu phần nào trong tháng 1, nhưng số liệu của Qúy 1 thường có xu hướng biến động nhiều do đây là thời gian diễn ra Tết âm lịch.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo sẽ ở mức 6,7% trong năm 2019 và giảm xuống 6,2% vào năm 2020.
Tăng trưởng GDP toàn khu vực năm nay dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống còn 4,8%, và đến 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống 4,7% do tình hình xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực, do tình trạng bảo hộ mậu dịch gia tăng từ năm ngoái sẽ khó có khả năng cải thiện sớm. Theo báo cáo mới nhất này, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo sẽ ở mức 6,7% trong năm 2019 và tiếp tục giảm xuống còn 6,2% vào năm 2020.
Bà Sian Fenner, Cố vấn Kinh tế ICAEW & Trưởng Kinh tế gia Oxford khu vực Châu Á cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi dự tính các rủi ro về triển vọng kinh tế khu vực chủ yếu sẽ diễn ra theo chiều hướng xấu. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm nhanh hơn, xuất phát từ lòng tin giảm sút hay sự tiếp tục leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, và cả hai yếu tố này sẽ đều ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và tăng trưởng khu vực. Tuy vậy, theo chúng tôi, bối cảnh bên ngoài sẽ không đáng lo ngại như những năm 2015/16, vì tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ đi vào ổn định từ Quý 2."
Cầu trong nước là vùng đệm để chống đỡ các trở lực ngoại cảnh
Cũng theo ICAEW, cầu trong nước nhiều khả năng sẽ bù đắp lại phần nào, cùng với các chính sách vĩ mô thuận lợi. Phần lớn các ngân hàng trung ương nhiều khả năng sẽ không thay đổi mức lãi suất chính sách cho đến 6 tháng cuối 2019 do ít chịu áp lực lạm phát. Chính sách tài chính nới lỏng cũng sẽ hữu ích, theo đó chi tiêu tài khóa dự tính sẽ ở mức cao tại Indonesia, Thái Lan, Philipine trước kỳ bầu cử sắp tới trong 6 tháng đầu 2019.
Tuy vậy, ICAEW nhận định vẫn sẽ có một số vấn đề cần quan tâm về mức tăng trưởng đầu tư ở một số nước. Tại Singapore và Malaysia, chi phí đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư vào máy móc, thiết bị (M&E), đang có xu hướng giảm trong khi tăng trưởng xuất khẩu đã chững lại đáng kể. Đầu tư vào nhà ở cũng sẽ bị hạn chế do mất cân đối cung cầu ở cả hai nền kinh tế này. Ở chiều hướng tích cực hơn, ngành xây dựng, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dự kiến sẽ hạn chế bớt mặt tiêu cực của bức tranh đầu tư tổng thể. Lạm phát ổn định và thu nhập thực tăng cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ chi tiêu của hộ gia đình.
Ông Mark Billington, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICAEW, chia sẻ: “Tuy chúng tôi dự tính mức cầu trong nước sẽ vẫn ổn định nhưng ảnh hưởng của việc gia tăng căng thẳng thương mại từ năm ngoái và nguồn cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng chậm lại nhiều khả năng sẽ là yếu tố kéo lùi tăng trưởng của khu vực nói chung. Triển vọng thương mại của Châu Á có thể tiếp tục phải đối mặt với một bối cảnh xuất khẩu khó khăn.”
Theo nhipcaudautu.vn