Chiều 23/10, sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền Chính phủ trình bày Báo cáo về về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) 2017, dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW năm 2018, kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2018 – 2020, Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo thẩm tra các nội dung này.
Giải ngân chậm làm lãng phí nguồn lực, giảm thu NSNN
Về năm 2017, đánh giá về thu NSNN, UBTCNS cho rằng mức ước thực hiện thu vượt 2,3% so với dự toán đã thể hiện những nỗ lực rất cao trong điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương (NSĐP) trong khi thu ngân sách trung ương (NSTW) ước khó đạt dự toán. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của NSTW, vai trò chủ đạo của NSTW khó được đảm bảo.
Về thực hiện chi, theo UBTCNS, Chính phủ đã điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, nhiều khoản chi đã phát huy hiệu quả, trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định. Tổng chi NSNN tăng là do sử dụng dự phòng ngân sách và nguồn tăng thu của ngân sách địa phương (NSĐP). Tuy nhiên, Uỷ ban cũng đề nghị lưu ý một số vấn đề như công tác phân bổ, giao dự toán còn chậm, nhất là vốn xây dựng cơ bản, còn nhiều tồn tại trong công tác chuẩn bị đầu tư. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giải ngân rất chậm. Điều này có nguyên nhân khách quan do thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn; các quy định của pháp luật về đầu tư công, về xây dựng, về đấu thầu…còn nhiều vướng mắc; nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan do công tác chuẩn bị đầu tư chậm, phân bổ và giao dự toán chậm, thủ tục đầu tư phức tạp; giải phóng mặt bằng khó khăn…
“Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp, việc nhiều bộ, ngành, địa phương đã được phân bổ vốn, song lại chưa giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân quá thấp đã dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đi vay, làm giảm hiệu quả đầu tư, tác động đến tăng trưởng kinh tế và giảm thu NSNN”, Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải cho biết.
Nhất trí với đề xuất điều chỉnh 14.000 tỷ vốn TPCP, vốn ODA
Nhìn chung, UBTCNS đánh giá cao kết quả điều hành NSNN của Chính phủ theo hướng siết chặt bội chi NSNN, cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn vay và giảm dần lãi suất bình quân đi vay. Đây là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN năm 2015, mức bội chi không cao hơn so với dự toán và cũng là mức bội chi thấp nhất trong vòng 10 năm qua, góp phần giữ nợ công trong giới hạn an toàn cho phép.
Tuy nhiên, UBTCNS cho rằng, việc giải ngân vốn ODA được Chính phủ tạm xác định bằng dự toán là khá rủi ro, vì theo nhiều năm, số vốn giải ngân ODA thường có phát sinh lớn hơn so với dự toán. Nếu vốn ODA giải ngân vượt so với dự toán, điều này ảnh hưởng đến bội chi NSNN. Do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể về tổng mức vay của NSNN năm 2017, đồng thời tiến hành rà soát tình hình giải ngân vốn ODA trong những năm gần đây để báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh kịp thời tại kỳ họp này.
Cho ý kiến về đề xuất của Chính phủ xin điều chỉnh giảm 14.034,06 tỷ đồng kế hoạch vốn TPCP, đồng thời bổ sung tăng 14.034,06 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2017, để bố trí kế hoạch vốn cho các dự án sử dụng vốn ODA đã được giải ngân từ năm 2016 trở về trước nhưng chưa được bố trí kế hoạch vốn, UBTCNS cho rằng việc điều chỉnh này không làm tăng tổng mức vay nợ và mức bội chi NSNN năm 2017 đã được Quốc hội phê duyệt, nên nhất trí với đề nghị của Chính phủ. Đồng thời, cho phép bổ sung các dự án này vào danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Tăng lương phải gắn với tinh giản biên chế
Đối với dự toán chi NSNN năm 2018, UBTCNS cơ bản thống nhất với Chính phủ về phương án dự toán chi NSNN. Về chi cải cách tiền lương, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở trên 7%.
Để sớm triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, một số ý kiến cho rằng, trong điều kiện tăng trưởng kinh tế còn thấp, thu NSNN gặp nhiều khó khăn, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở phải gắn liền với tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công việc; tăng tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm dần sự phụ thuộc vào NSNN của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đánh giá chung về phương án phân bổ NSTW, UBTCNS cơ bản tán thành với phương án phân bổ cụ thể của Chính phủ và cho rằng, khả năng thu NSNN còn khó khăn, song Chính phủ vẫn dành nguồn để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương và tăng tiền ăn cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang… nhưng vẫn bố trí tăng chi đầu tư phát triển, trong đó đã dành tất cả số tăng chi đầu tư tập trung để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công là nỗ lực rất lớn trong việc cơ cấu lại NSNN theo tinh thần Nghị quyết 07/NQ-TW của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội.
Điều tiết về NSTW 100% thuế TTĐB, GTGT từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn
Đối với một số đề xuất khác của Chính phủ, UBTCNS cũng cơ bản nhất trí, như việc giữ lại 50% dự phòng NSTW năm 2017; biện pháp kiểm soát bội chi năm 2018 trong trường hợp phát sinh chuyển nguồn TPCP từ năm trước và giải ngân vốn nước ngoài vượt kế hoạch, sẽ điều chỉnh giảm tương ứng dự toán chi TPCP để bảo đảm mức bội chi trong giới hạn đã được Quốc hội quyết định; không ban hành chính sách mới khi chưa cân đối được nguồn; cho phép để lại 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính từ lĩnh vực giao thông của NSTW cho địa phương như Chính phủ trình.
Đa số ý kiến cũng nhất trí với việc điều tiết 100% về NSTW số thuế TTĐB và thuế GTGT từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và cho rằng, đây là nguồn thu khá lớn phát sinh trong thời kỳ ổn định ngân sách, theo Luật NSNN, khoản thu này phải nộp về NSTW. Việc Chính phủ đề nghị là phù hợp quy định tại khoản 7 Điều 9 của Luật NSNN năm 2015. |