Tài sản của tất cả các khối đều tăng
Trong tháng 5, tài sản của tất cả các khối đều tăng. Tăng mạnh nhất là khối NHTM Nhà nước khi tài sản của khối này đã tăng thêm tới 70.268 tỷ đồng lên 4.076.004 tỷ đồng.
Đứng thứ hai về mức độ tăng là khối NHTMCP khi tài sản của khối này đã tăng thêm 61.548 tỷ đồng lên 3.610.798 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong tháng 5 tài sản của khối công ty tài chính – cho thuê cũng tăng tới 6.280 tỷ đồng lên 126.028 tỷ đồng, đứng thứ ba về mức độ tăng.
Ngoài ra trong tháng 5, tài sản của khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài cũng tăng thêm 5.548 tỷ đồng lên 858.120 tỷ đồng; tài sản của Ngân hàng chính sách tăng 2.335 tỷ đồng lên 173.464 tỷ đồng; Ngân hàng Hợp tác tăng 116 tỷ đồng lên 25.600 tỷ đồng; hệ thống QTDND tăng 924 tỷ đồng lên 97.145 tỷ đồng.
Xét về giá trị tuyệt đối, hiện khối NHTM Nhà nước đang dẫn đầu về tổng tài sản; tiếp đó là khối NHTMCP, khối ngân hàng liên doanh nước ngoài.
Vốn tự có, vốn điều lệ cũng tăng
Vốn tự có và vốn điều lệ của toàn hệ thống cũng vãn duy trì được đà tăng trong tháng 5. Cụ thể, trong tháng 5 vốn tự có của toàn hệ thống đã tăng thêm 7.806 tỷ đồng lên 681.390 tỷ đồng.
Trong tháng vốn tự có của tất cả các khối đều tăng. Tăng mạnh nhất là khối NHTM Nhà nước khi vốn tự có của khối này đã tăng thêm 5.310 tỷ đồng lên 242.582 tỷ đồng. Đứng thứ hai là khối NHTMCP khi vốn tự có tăng 2.060 tỷ đồng lên 269.464 tỷ đồng. Khối ngân hàng liên doanh nước ngoài đứng thứ ba với mức tăng 417 tỷ đồng lên 144.274 tỷ đồng.
Đáng chú ý vốn tự có của khối công ty tài chính – cho thuê đã tăng lần đầu tiên so với cuối năm 2016, đạt 21.375 tỷ đồng.
Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, khối NHTMCP vẫn đang dẫn đầu về vốn tự có; đứng thứ hai là khối NHTM Nhà nước; khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài đứng thứ ba.
Về vốn điều lệ, trong tháng vốn điều lệ của toàn hệ thống tăng thêm 192 tỷ đồng lên 499.553 tỷ đồng.
Trong đó chủ yếu do vốn điều lệ của khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài tăng thêm 150 tỷ đồng lên 111.917 tỷ đồng. Bên cạnh đó vốn điều lệ của hệ thống QTDND tăng 42 tỷ đồng lên 3.724 tỷ đồng; vốn điều lệ của khối công ty tài chính – cho thuê cũng tăng nhẹ lên 19.204 tỷ đồng. Các khối còn lại vốn điều lệ không thay đổi so với tháng trước.
Xét về giá trị tuyệt đối, hiện khối NHTMCP cũng đang dẫn đầu về vốn điều lệ với 203.335 tỷ đồng. Đứng thứ hai là khối NHTM Nhà nước với 147.653 tỷ đồng. Đứng thứ ba là khối Ngân hàng liên doanh – nước ngoài với 111.917 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu an toàn tiếp tục cải thiện
Tăng trưởng về quy mô, song hoạt động của hệ thống vẫn rất an toàn, thể hiện qua các chỉ số như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn đảm bảo theo yêu cầu của NHNN.
Theo đó, tại thời điểm cuối tháng 5/2017, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống ở mức 12,66% tăng nhẹ so với mức 12,62% tại thời điểm cuối tháng 4. Trong đó tỷ lệ này của tất cả các khối đều cao hơn nhiều so với quy định của NHNN là 9%.
Trong khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tuy có tăng nhẹ lên 33,35% từ mức 32,88% của tháng 4, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức 34,51% hồi cuối năm 2016 và thấp hơn nhiều quy định của NHNN.
Cụ thể, theo quy định của Thông tư 06/2016/TT-NHNN, từ 1/1/2017 tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các NHTM, Ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Hợp tác xã là 50%; các TCTD phi ngân hàng là 90%.
Trong khi tại thời điểm cuối tháng 5, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của khối NHTM Nhà nước cao nhất cũng chỉ ở mức 37,16%, còn khối NHTMCP là 35,76%. Còn với khối Công ty tài chính – cho thuê, tỷ lệ này là 47,94%.