Tham dự Hội thảo về phía Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, có ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Về phía Bộ Tài chính có ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại. Hội thảo còn có sự hiện diện của đại diện đến từ các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hợp tác quốc tế Thụy Sỹ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Đại diện cơ quan quản lý nợ của Indonesia..., đại diện các bộ, ngành và địa phương.
Tạo khuôn khổ pháp lý kiểm soát nợ công chặt chẽ
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ ba (tháng 5-6/2017), Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhất trí cơ bản với nội dung của dự thảo luật và đánh giá quá trình chuẩn bị khá công phu, chu đáo, đảm bảo những yêu cầu của việc xây dựng, ban hành văn bản luật theo quy định. Tuy nhiên, ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng còn có sự khác nhau trên một số nội dung như phạm vi nợ công; chiến lược nợ; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nợ công; phạm vi và điều kiện bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại; các biện pháp quản lý rủi ro nợ công...
Với mục tiêu xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Quản lý nợ công sửa đổi với chất lượng cao nhất, tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý huy động, cũng như quản lý, sử dụng và kiểm soát nợ công chặt chẽ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tiếp tục tổ chức hội thảo về Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Đây là cơ hội để ban soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra nghe thêm ý kiến của các chuyên gia trong nước, nước ngoài, ý kiến của các ủy ban của Quốc hội. .. về những nội dung quan trọng của dự thảo luật, đặc biệt là các nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Đồng chủ trì hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã xem xét Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS về Dự án Luật Quản lý nợ công sửa đối. Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về nội dung này. Qua thảo luận đã có 129 ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), thế hiện sự quan tâm của ĐB, của cử tri cả nước trong bối cảnh nợ công vẫn trong giới hạn an toàn, nhưng cũng gần đến mức trần Quốc hội cho phép; nợ công đang và sẽ là một vấn đề phải quan tâm trong hoạch định chính sách tài khóa nói riêng và chính sách vĩ mô nói chung.
Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 07 về chủ trương giải pháp cơ cấu lại ngân sách, quản lí nợ công đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững. Hoàn thiện hệ thống pháp lý quản lí nợ công đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Xuất phát từ yêu cầu quản lý nợ an toàn, bền vững, hiệu quả phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong trung hạn, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 25 về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020, bảo đảm an toàn nợ công. Trong đó có các chỉ tiêu chủ yếu như: Nợ công hàng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP... và một số nhiệm vụ, giải pháp như "hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý nợ công theo hướng điều chỉnh phạm vi nợ công hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế của Việt Nam”.
Quản lý nợ công là một thách thức cho Việt Nam nếu muốn duy trì tính bền vững của nợ công và duy trì sức tăng trưởng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đó không chỉ là thách thức của Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới, như các nước Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc...
Vì vậy, 2 cơ quan: Ủy ban Tài chính - Ngân sách với vai trò là một cơ quan tham mưu cho Quốc hội trong việc quyết định sửa đổi Luật Quản lý nợ công và Bộ Tài chính với vai trò cơ quan soạn thảo Dự án Luật này, đã tiếp tục phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tể.
Ông Nguyễn Đức Hải cũng đã gợi ý một số điểm quan trọng cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó tập trung vào những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của các ĐBQH, về phạm vi nợ công; điều kiện đảm bảo cho vay lại, bảo lãnh; về đầu mối quản lý nợ công; về chỉ tiêu an toàn và giám sát nợ công, các công cụ quản lý nợ công...
"Sau hội thảo, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo sẽ khẩn trương tập hợp các ý kiến để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8, tháng 9 và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp lần 4 vào tháng 10/2017", ông Hải cho biết.
Thống nhất các đầu mối quản lý nợ
Cũng tại hội thảo, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Jean-Luc Steylaers cho rằng, Việt Nam cần thống nhất các chức năng quản lý nợ. Tập trung hóa để: làm giảm rủi ro về nợ; giảm chi phí nợ; tạo điều kiện quản lý nợ hiệu quả hơn; cho phép tận dụng lợi thế kinh tế do quy mô, giảm được số cán bộ tham gia quản lý nợ; tạo điều kiện tốt hơn mối quan hệ với thị trường; tạo điều kiện để các nhà đầu tư hiểu sâu rộng hơn về nợ công...
Còn theo Vụ trưởng Vụ Chiến lược huy động và danh mục - Bộ Tài chính Indonexia - ông Scenaider Clasein Siahaan, Cục Huy động cho ngân sách và quản lý rủi ro của Indonexia tương tự như Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính Việt Nam. Việc thành lập đơn vị này hướng tới trở thành một đơn vị chuyên nghiệp hỗ trợ huy động hiệu quả cho ngân sách nhà nước theo mức rủi ro được đo lường nhằm duy trì bền vững tài khóa.
"Đơn vị này thực hiện các sứ mệnh: Quản lý danh mục nợ của chính phủ hiệu quả, minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình; quản lý phát hành/vay nợ thông qua xác định năng lực nợ nhằm hỗ trợ ổn định tài khóa; thực thi tạo sự độc lập trong huy động vốn cho phát triển của quốc gia thông qua nỗ lực ưu tiên nguồn vốn trong nước, xây dựng thị trường tài chính trong nước ổn định và hiệu quả; thực hiện hợp tác quốc tế trong bối cảnh tìm kiếm nguồn tài chính thay thế và hỗ trợ ổn định thị trường tài chính khu vực", ông Scenaider Clasein Siahaan cho biết.
Là thành viên của Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng nên quy định cơ quan đầu mối về chịu trách nhiệm vay nợ, trả nợ (bao gồm từ khâu đàm phán các điều kiện vay, quản lý sử dụng tiền vay và kế hoạch trả nợ) là Bộ Tài chính.
"Tôi cho rằng Dự luật cần sửa theo hướng: Bộ Tài chính là đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về nợ công với 15 nội dung quy định từ khoản 2 đến khoản 16 của Điều 19. Quy định như vậy không trái với nhiệm vụ của các bộ, ngành khác tại các điều 21, 22, 23 của dự luật; đồng thời chịu trách nhiệm chủ trì đàm phán vay nợ", ông Lịch nêu quan điểm./.