Dự kiến, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh mức vay 1 dự án tối đa là 2 tỷ đồng và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.
Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đang được lấy ý kiến rộng rãi.
Theo đó, dự thảo Nghị định này sửa đổi, bổ sung Điều 24 theo hướng nâng mức vay đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động: Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh mức vay 1 dự án tối đa là 2 tỷ đồng và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.
Về thời hạn vay vốn, Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 25 theo hướng tăng thời hạn vay vốn tối đa lên 120 tháng.
Bên cạnh đó, lãi suất được sửa theo hướng tăng lãi suất vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động từ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo lên bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung nâng mức vay phải có tài sản bảo đảm tiền vay từ Quỹ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng.
Về nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm tại các địa phương: Bổ sung Khoản 4 Điều 30 như sau: “4. Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh nguồn vốn vay tại địa phương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. NHCSXH địa phương có trách nhiệm chuyển nguồn vốn vay theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”
Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh nguồn vốn vay giữa các cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thực hiện chương trình, NHCSXH báo cáo cơ quan trung ương của tổ chức thực hiện chương trình xem xét, quyết định; trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh nguồn vốn vay giữa các cơ quan cấp huyện trực thuộc cùng cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thực hiện chương trình, NHCSXH địa phương báo cáo cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thực hiện chương trình xem xét, quyết định. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm chuyển nguồn vốn vay theo quyết định của tổ chức thực hiện chương trình.
Theo số liệu từ NHCSXH đến cuối năm 2018, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 7.631 tỷ đồng so năm 2015. Trong đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là 4.497 tỷ đồng, tăng 64 tỷ đồng so năm 2015 từ số tiền lãi thu được bổ sung cho Quỹ; nguồn vốn của địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm là 6.285 tỷ đồng, tăng 3.789 tỷ đồng so năm 2015, nguồn vốn do NHCSXH huy động để cho vay giải quyết việc làm là 3.778 tỷ đồng. Dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 14.451 tỷ đồng, với gần 476 nghìn khách hàng còn dư nợ, dư nợ cho vay xuất khẩu lao động đạt 722 tỷ đồng, với hơn 15 nghìn hộ vay còn dư nợ.
Riêng giai đoạn 2016 đến cuối năm 2018, doanh số cho vay giải quyết việc làm đạt 15.477 tỷ đồng, doanh số cho vay xuất khẩu lao động đạt 746 tỷ đồng, qua đó giúp hơn 535 nghìn lao động được tạo việc làm, hơn 11 nghìn lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động.
Theo thoibaonganhang.vn