• English

Tin thị trường

Sẽ có nhiều ưu đãi để hút vốn Nhật

TTO - Ngoài việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, TP.HCM cũng sẽ có các chính sách ưu đãi thích hợp nhằm thu hút nhà đầu tư Nhật Bản, đặc biệt là những lĩnh vực mà TP cần và Nhật có thế mạnh.

Ông Đinh La Thăng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - cho biết như vậy khi trao đổi vớiTuổi Trẻ sau khi đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản (ngày 6 đến 15-4).

Ông Thăng nói: “Thực ra không thể có cơ chế ưu đãi riêng biệt cho nhà đầu tư Nhật, nhưng sẽ có những cơ chế ưu đãi vào các ngành mà TP.HCM đang cần phát triển và Nhật có thế mạnh, như công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin, điện tử...”.

* Như vậy, chính sách ưu đãi chỉ ưu tiên cho một số lĩnh vực chứ không dành cho riêng nhà đầu tư nào?

- Chúng ta kêu gọi và khuyến khích nhà đầu tư Nhật, có chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư Nhật nên cơ chế và chính sách ưu đãi sẽ dành riêng cho một số lĩnh vực mà nhà đầu tư Nhật có thế mạnh và quan tâm.

Bởi cơ chế chính sách phải đặt trong tổng thể chứ không thể có cơ chế riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ hay một nước nào khác...

Điều này cũng có nghĩa bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào rót vốn vào những lĩnh vực được khuyến khích cũng sẽ được hưởng ưu đãi tương tự, nếu đáp ứng được các yêu cầu về quy chuẩn công nghệ.

* Nhưng cơ chế, chính sách ưu đãi mà TP.HCM đưa ra liệu có được phép vượt trội so với cơ chế, chính sách chung hay không, thưa ông?

- Từ năm 2012, theo nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, TP.HCM được áp dụng thí điểm những quy định pháp luật chưa có hoặc đã có nhưng không còn phù hợp, nhưng phải xây dựng đề án để trình Chính phủ phê duyệt trước khi thực hiện.

Tuy nhiên, chính sách thu hút đầu tư phải thống nhất trong cả vùng kinh tế, nếu không sẽ xuất hiện những điểm nghẽn, điểm vênh nhau giữa các địa phương.

Quan điểm của TP.HCM là chỉ thu hút những loại công nghệ chất lượng cao, sử dụng ít lao động mới cạnh tranh được. Và khi các địa phương khác có cùng cơ chế thu hút đầu tư như vậy, sẽ có sự cộng hưởng rất lớn.

* Làm gì để mối quan hệ với Nhật Bản của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển bền vững, thưa ông?

- Việt Nam và Nhật Bản đang có mối quan hệ rất tốt, vấn đề là phải làm sao giữ được mối quan hệ này bền vững, không chỉ trong tổng thể giao lưu kinh tế - văn hóa mà cả từ mỗi con người.

Tôi ủng hộ đề xuất của ông Takebe Tsutomo (cố vấn đặc biệt của Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật) về việc sớm thành lập nhóm các nghị sĩ trẻ Việt - Nhật, để kế thừa tình hữu nghị trong tương lai.

Cộng đồng người Việt tại Nhật hiện đang rất lớn, trong đó có du học sinh, lao động Việt Nam sang Nhật học tập và làm việc.

Trong chuyến công tác tại Nhật vừa rồi, khi đến thăm một số du học sinh và các bạn trẻ Việt Nam lập nghiệp tại Nhật Bản, chúng tôi thấy họ rất chí thú học tập, làm việc.

Tất nhiên vẫn còn việc này việc kia nhưng tôi tin tưởng những người trẻ đó sẽ giữ gìn và phát triển hơn nữa tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết

Theo ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, trong các buổi làm việc với lãnh đạo một số địa phương tại Nhật Bản như Tokyo, Nagano, Hyogo, Aichi, Osaka..., đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM và các địa phương này đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, như thỏa thuận giữa TP.HCM và Nagano, Sở Du lịch TP.HCM với Sở Du lịch Nagano, Sở Du lịch TP.HCM với Vụ văn hóa - thể thao và du lịch, Cục kinh tế chiến lược thành phố Osaka.

Ngoài ra, đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM cũng tổ chức hội thảo thúc đẩy hợp tác kinh tế Hyogo - TP.HCM, hội nghị xúc tiến đầu tư và du lịch TP.HCM tại Osaka và gặp gỡ Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Kadanren) với sự tham dự của lãnh đạo và hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam và Nhật, tổ chức “Những ngày TP.HCM tại Osaka”...

VIỄN SỰ - THUẬN THẮNG/ TUỔI TRẺ

Đăng ký nhận tin
KienlongBank