Từ năm 2021, thời gian làm thử việc của người lao động sẽ dài hơn rất nhiều so với hiện nay.
Thử việc là khoảng thời gian để người lao động và người sử dụng lao động quyết định có nên ký hợp đồng lao động chính thức hay không.
Quy định mới về thời gian thử việc
Theo điều 25 Bộ Luật Lao động năm 2019, thời gian thử việc do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận căn cứ vào tính chất và độ phức tạp của công việc.
Tuy nhiên, cần lưu ý, chỉ được thử việc 1 lần đối với 1 công việc và bảo đảm: Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Thời gian thử việc do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận căn cứ vào tính chất và độ phức tạp của công việc
Với điều luật này có thể thấy, Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 đã bổ sung quy định về thời gian thử việc đối với người giữ vị trí quản lý doanh nghiệp (Bộ Luật lao động 2012 không quy định vấn đề này).
Thời gian thử việc của công việc này lên tới 6 tháng, dài hơn rất nhiều so với các công việc khác. Do đó, các doanh nghiệp cũng như người lao động cần chú ý khi Bộ luật chính thức được áp dụng.
Phải bảo đảm khách quan
Để bảo đảm tính khách quan, công bằng cũng như bảo vệ quyền lợi người lao động, điều 27 Bộ Luật Lao động mới đã chỉ rõ trách nhiệm của doanh nghiệp khi người lao động hết thời gian thử việc.
Theo đó, khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động. Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao nếu có thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động nếu trước đó giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Về quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc, cũng như hiện nay, Bộ Luật Lao động 2019 cho phép cả người lao động lẫn người sử dụng hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Theo nld.com.vn