Thông tin được ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết tại hội thảo "Chính sách và giải pháp liên thông chức thực chữ số tại Việt Nam" tổ chức ngày 28/6 tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, trong những năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Một trong số đó là đẩy mạnh điện tử hóa dịch vụ công.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm: Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử sẽ được thành lập trong thời gian tới với Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Vân Anh).
"Để đảm bảo an toàn cho các giao dịch Chính phủ điện tử cũng như giao dịch điện tử nói chung, việc có một cơ chế xác thực điện tử an toàn là hết sức cần thiết trong bối cảnh ngày càng có nhiều yếu tố, nguy cơ gây mất an toàn thông tin. Trong đó, sử dụng chữ ký số là một trong các giải pháp xác thực điện tử an toàn được ứng dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới", Thứ trưởng Phan Tâm cho biết.
Tại Việt Nam, hiện có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, cấp hơn 800.000 chứng thư số công cộng đang hoạt động để phục vụ việc kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội điện tử.
Cùng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng, Chính phủ đã cấp hơn 60.000 chứng thư số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được đáng ghi nhận, việc ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam trong thời gian qua còn có những hạn chế nhất định, trong đó có vấn đề về liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là vấn đề đã và đang được giải quyết ở nhiều nước trên thế giới theo những cách khác nhau. Lựa chọn giải pháp nào phụ thuộc vào mô hình quản lý Nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số, mô hình, cấu trúc của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp, thực tế sử dụng chữ ký số của người dân và các giải pháp cụ thể được sử dụng.
Ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ nhận định, một trong những mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử đầu tiên là phổ cập thông tin điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành (qua thông báo điện tử) một cách nhanh chóng, toàn vẹn và xác thực với người dân và doanh nghiệp.
"Khung pháp lý thực hiện vấn đề liên thông chứng thực chữ ký số công cộng và chữ ký số chuyên dùng chính phủ đã có đầy đủ, tuy nhiên, biện pháp kỹ thuật để thực hiện vẫn chưa có", ông Lê Quang Tùng cho biết.
Để thực hiện mục tiêu dịch vụ công cấp 4 trong xây dựng Chính phủ điện tử, ông Tùng đề nghị Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ nhanh chóng lựa chọn phương án kỹ thuật, xây dựng chuẩn kỹ thuật, cũng như đưa ra lộ trình triển khai cụ thể liên thông chứng thực chữ ký số.
Liên thông chứng thực chữ ký số thúc đẩy dịch vụ công cấp 4 trong xây dựng Chính phủ điện tử. (Ảnh minh họa: KT).
Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia cho rằng, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và các cơ quan, tổ chức liên quan để từng bước giải quyết vấn đề liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số.
Theo ông Cho Hyun Woo, Trung tâm Chứng thực điện tử Hàn Quốc, giải pháp chữ ký số quốc gia đang được áp dụng ở nhiều quốc gia. Cụ thể tại Estonia, Phần Lan, toàn bộ dữ liệu người dân được điện tử hóa hay có thể hiểu mỗi người dân được cấp một chứng thư số cá nhân, giúp họ sử dụng dịch vụ công (từ giấy tờ, hồ sơ y tế, đăng ký lái xe...) tại bất cứ địa điểm nào ở trong nước mà không mất quá nhiều thời gian xác nhận.
Liên thông chứng thực chữ ký số không chỉ tạo ra nguồn dữ liệu điện tử toàn dân phục vụ cho nhiều yêu cầu khác nhau của chính phủ điện tử, mà còn có tính xác thực cao, tăng tính minh bạch và giảm thời gian thực hiện dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
"Việt Nam nên trao đổi, học tập kinh nghiệm của các quốc gia khác để chọn được giải pháp phù hợp cũng như lộ trình thích ứng triển khai chính phủ điện tử", ông Cho Hyun Woo nhấn mạnh./.
Vân Anh