• English

Tin thị trường

Quyết liệt lành mạnh hóa hệ thống

Ngành NH xác định XLNX là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ trong năm nay mà còn những năm tới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội cũng như Đề án 1058 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi NHNN ban hành Chỉ thị 06/CT-NHNN và tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (XLNX) của các TCTD (NQ 42) và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án 1058), một số chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố lớn cũng chuẩn bị các hội nghị cấp khu vực và cấp địa phương để triển khai nhiệm vụ trên.

Hàng loạt động thái vừa qua của NHNN với tinh thần quyết liệt ngay khi chính sách về XLNX có hiệu lực, cho thấy hệ thống NH đang dồn sự nỗ lực, tâm huyết cho nhiệm vụ đánh tan “cục máu đông” của nền kinh tế. Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng và NHNN trước đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh: Ngành NH xác định XLNX là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ trong năm nay mà còn những năm tới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội cũng như Đề án 1058 của Thủ tướng Chính phủ. Với mong muốn hệ thống NH lành mạnh thì phải có bước đi cụ thể về vấn đề này.

Nhìn lại “lịch sử” của quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD và XLNX, chúng ta thấy, mỗi giai đoạn có sứ mệnh riêng nhằm hướng tới một hệ thống NH bền vững gánh vác vai trò chủ lực trong cung ứng vốn cho nền kinh tế. Sau 4 năm triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” (Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012) và hơn 3 năm triển khai Đề án “XLNX của hệ thống các TCTD” và Đề án Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) trong điều kiện kinh tế trong nước và thế giới có nhiều yếu tố không thuận lợi, các TCTD vừa phải tự tái cơ cấu, XLNX vừa tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế là sự nỗ lực của hệ thống NH. Và chắc chắn, trong thời gian tới ngành NH sẽ tiếp tục phải phát huy những điểm mạnh khi triển khai Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt với NQ 42 về thí điểm XLNX là văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành NH liên quan đến XLNX và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết ngành NH phải nắm bắt cơ hội để triển khai thực sự hiệu quả. Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của TCTD, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Đến nay NHNN cũng chỉ đạo từng TCTD phải xây dựng kế hoạch cơ cấu lại gắn với XLNX trình NHNN phê duyệt, trong đó có kế hoạch XLNX của từng năm và giám sát việc thực hiện kế hoạch của từng TCTD.

Lãnh đạo một NHTM lớn cho rằng, với chỉ đạo này, có nghĩa rằng, từng TCTD phải có hành động, có kế hoạch từng năm và được giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chứ không thể để xảy ra chuyện “kế hoạch treo”. Cũng có thể qua việc giám sát từng năm như vậy, NHNN sẽ nắm bắt thông tin để có định hướng, giải pháp kịp thời trong việc triển khai cơ cấu hệ thống và XLNX.

Chính vì thế, tại Đề án 1058 đã đặt ra yêu cầu NHNN phải tiếp tục tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát NH phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát NH; nâng cao khả năng cảnh báo sớm của NHNN đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngành Ngân hàng của các TCTD; đổi mới công tác giám sát theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô; đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra toàn diện, pháp nhân TCTD.

Có thể nói rằng mục tiêu phía trước khá nặng nề với ngành NH khi mà đến năm 2020, các NHTM cơ bản phải có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II; có ít nhất từ một đến hai NHTM nằm trong top 100 NH lớn nhất khu vực châu Á; Phấn đấu xử lý và kiểm soát nợ xấu để đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%... Nhưng nếu nhìn vào cách vào cuộc của NHNN và cả hệ thống NH thì chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng thành công sẽ đến trong tương lai.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank