• English

Tin thị trường

Quý I/2018, dòng vốn FDI giải ngân tăng khá mạnh

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 3 tháng đầu năm 2017. Trong đó, tổng vốn FDI đăng ký mới, FDI đăng ký tăng vốn và FDI vốn góp, mua cổ phần đạt 5,8 tỷ USD, bằng 75,2% so với cùng kỳ 2017.

Quý I/2018, vốn FDI giải ngân đạt 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2017

Cụ thể, trong quý I/2018, Việt Nam thu hút được 618 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT), với tổng vốn đăng ký đạt 2,12 tỷ USD, bằng 72,2% so với cùng kỳ năm 2017. Cùng với đó, có 199 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 1,79 tỷ USD, bằng 45,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cả vốn FDI đăng ký mới và vốn FDI đăng ký tăng thêm trong 3 tháng đầu năm đều giảm mạnh so với cùng kỳ 2017.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, sở dĩ có sự giảm mạnh vì 3 tháng đầu năm 2018 không có nhiều các dự án lớn có giá trị đăng ký lên tới tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2017, có dự án Samsung Display (Hàn Quốc) tăng vốn đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh lên tới 2,5 tỷ USD.

Mặc dù vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm giảm mạnh so với cùng kỳ, song tình hình thu hút FDI 3 tháng đầu năm vẫn có nhiều điểm sáng. Trong đó, nổi bật nhất là có tới 1.285 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án tại Việt Nam, với tổng giá trị vốn góp lên tới 1,89 tỷ USD, tăng 121,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới, khi tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang tiếp tục được đẩy mạnh.

Một điểm sáng nữa trong bức tranh FDI 3 tháng đầu năm là dòng vốn FDI giải ngân tăng khá mạnh. Các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân 3,88 tỷ USD trong quý I/2018, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2017. Tính trung bình mỗi tháng, khu vực FDI giải ngân gần 1,3 tỷ USD tại Việt Nam, đây là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Chứng tỏ môi trường đầu tư của Việt Nam có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Dòng vốn FDI đăng ký mới và giải ngân vào Việt Nam trong quý I/2018 giảm mạnh so với cùng kỳ, song các chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn chưa có đủ cơ sở để khẳng định, FDI vào Việt Nam trong năm 2018 sẽ giảm so với 2017. Bởi rất nhiều tập đoàn nước ngoài lớn đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, một trong số đó là Tập đoàn AMATA (Thái Lan) đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để đầu tư 1,6 tỷ USD vào dự án xây dựng thành phố thông minh tại tỉnh Quảng Ninh.

Trong quý I/2018, tình hình hoạt động của khu vực FDI được đánh giá tốt khi hoạt động xuất - nhập khẩu vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ 2017. Trong đó, xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 39,34 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2017, chiếm 72,4% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhập khẩu đạt 31,75 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ 2017, chiếm gần 60% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung quý I/2018, khu vực FDI xuất siêu 7,59 tỷ USD, trong khi đó toàn nền kinh tế xuất siêu 1,3 tỷ USD.

 


Đăng ký nhận tin
KienlongBank