(TBTCO) - Để triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã dự thảo nghị định quy định về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản (TS) và quản lý, xử lý TS được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Dự thảo nghị định quy định rõ, TS thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân, TS bị tịch thu theo quy định của pháp luật (thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân nhưng do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu theo bản án, quyết định của tòa án, quyết định của cấp có thẩm quyền khác). Cụ thể bao gồm:
Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; Vật chứng vụ án, một phần hoặc toàn bộ TS thuộc sở hữu của người bị kết án bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự (vật chứng vụ án, TS của người bị kết án bị tịch thu).
TS vô chủ, TS không xác định được chủ sở hữu, TS bị đánh rơi, bị bỏ quên, TS bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, TS không có người nhận thừa kế; hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; TS của quỹ xã hội, TS của quỹ từ thiện bị giải thể.
TS do các chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước bao gồm: TS do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam.
TS do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động; tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án.
Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về TS phải được lập thành văn bản và phải tuân theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền lợi toàn dân, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan.
TS sau khi được xác lập quyền sở hữu toàn dân là TS nhà nước, được quản lý, xử lý theo nguyên tắc quản lý, sử dụng TS nhà nước. Mọi hành vi vi phạm quy định về quản lý, xử lý TS được xác lập quyền sở hữu toàn dân phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Để xác định rõ trách nhiệm quản lý, xử lý TS, tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện, dự thảo cũng quy định cụ thể “đơn vị chủ trì quản lý, xử lý TS” đối với từng loại TS được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Quy định này được thiết kế trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành và thực tế triển khai của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Đồng thời, dự thảo cũng quy định trách nhiệm của đơn vị chủ trì quản lý, xử lý TS. Theo đó “đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản” phải có trách nhiệm trong việc bảo quản TS; xác lập quyền sở hữu toàn dân về TS; lập phương án xử lý TS; tổ chức xử lý TS và thực hiện các nhiệm vụ khác.
Đặc biệt, dự thảo nghị định quy định cụ thể 5 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Trong đó có quy định nghiêm cấm hành vi gây hư hỏng, thất thoát TS hoặc không thực hiện xử lý TS đúng thời hạn quy định.
Theo Bộ Tài chính, quy định này cùng với quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, xử lý TS được xác lập quyền sở hữu toàn dân (Nghị định số 66/2012/NĐ-CP ngày 06/9/2012 của Chính phủ) sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý TS, giải quyết hàng hóa tồn đọng như hiện nay.
An Nhi