Cải cách khó khăn
Đây có thể là cách mà cuộc đua về đáy sẽ bắt đầu. Tại Washington, Tổng thống Donald Trump đã “thề” sẽ lùi lại các quy định tài chính được thông qua sau cuộc khủng hoảng năm 2008.
Còn tại Trung tâm tài chính London - nơi đang phải đối mặt với khả năng một cuộc di cư của các nhà băng vì Anh rút khỏi Liên minh châu Âu - Thủ tướng Theresa May cho biết, bà có thể chống lại bất cứ biện pháp thương mại mang tính trừng phạt nào từ EU bằng cách cắt giảm thuế hoặc thay đổi chính sách để thu hút các NĐT và các công ty.
Đây là một xu hướng thay đổi đáng chú ý. Bởi cho tới khi đã có những thay đổi chính trị ở Mỹ và Anh trong năm ngoái thì các nhà quản lý TC-NH vẫn tiến đến việc đưa ra các điều tiết thắt chặt hơn và phối hợp tốt hơn đối với hệ thống tài chính toàn cầu.
Trong khi đó tại EU, một số nước thành viên cũng có thể xem xét nới lỏng các quy định để lôi kéo các DN có trụ sở tại London chuyển đến. Đơn cử như tại Brussels, các nhà quản lý hàng đầu của châu Âu đang cố gắng để làm mềm đi các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất.
Họ đã cố gắng để dập tắt "sự chênh lệch về quy định điều tiết" tài chính giữa các nền kinh tế bởi bài học về khủng hoảng tài chính của thế kỷ 21, từ Lehman Brothers đến cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đã cho thấy, khủng hoảng một khi xảy ra sẽ không chỉ giới hạn trong biên giới quốc gia.
Các nhà quản lý đã yêu cầu các NH lớn trên toàn cầu phải nắm giữ nhiều vốn hơn, cho vay dựa nhiều hơn trên vốn chủ sở hữu để đối phó với rủi ro tốt hơn. Các NH cũng đang phải đối mặt với các bài kiểm tra căng thẳng thường xuyên hơn để đánh giá nguy cơ thất bại của họ. Tuy nhiên, khi các bộ trưởng tài chính, lãnh đạo NHTW và giám đốc điều hành tập trung tại Washington cho các cuộc họp hàng năm về kinh tế toàn cầu vào cuối tháng 4 vừa qua, những ý kiến thảo luận đã có chút khác biệt.
Trong bài phát biểu ngày 20/4, Thống đốc NHTW Anh Mark Carney đã cảnh báo rằng, "những cải cách khó nhọc" có thể khiến những nỗ lực thắt chặt điều tiết chưa thể hoàn thành. "Hệ thống tài chính toàn cầu đang ở ngã ba đường. Những rủi ro mới xuất hiện nếu không được kiểm soát có thể đe doạ đến các tiến bộ đã đạt được” – ông Carney nói.
Tính từ thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua đến nay, các cổ phiếu tài chính đã tăng lên khoảng 20%, trong đó một phần lý do vì các NĐT kỳ vọng các quy định đối với hệ thống tài chính sẽ nhẹ nhàng hơn. Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase & Co cho rằng, hệ thống tài chính an toàn hơn sau khủng hoảng nhưng các NH do lo lắng về việc kiểm soát gia tăng của nhà điều tiết, giờ đây đang có quá nhiều vốn và hạn chế cho vay.
Còn theo Anat Admati, Giáo sư về tài chính của Stanford, không có quy định nào ngăn cản các NH sử dụng lợi nhuận của họ, hoặc huy động vốn từ các NĐT để cho vay.
Trong một vài trường hợp, một số nhà quản lý cho rằng hiện đã có đủ điều kiện để điều chỉnh các quy định quản lý hệ thống tài chính tại Mỹ. Daniel Tarullo, người đứng đầu của nhiều quy định kiểm soát quan trọng nhất tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước khi ông từ chức vào tháng 4 vừa qua cho biết, một số yêu cầu kiểm soát có thể được làm mềm đi với các NH nhỏ.
Nhưng Tổng thống Donald Trump thậm chí còn muốn có những thay đổi lớn hơn. Vào ngày 21/4 vừa qua, ông Trump đã ký hai văn bản trong đó yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mukuchin trong vòng 180 ngày phải xem xét lại các quy định nhằm giúp các nhà chức trách có thể sử dụng "cơ chế giải quyết có trật tự" để giải thể các tổ chức tài chính gặp khó khăn cũng như các quy định mà theo đó các nhà quản lý có thể xác định các tổ chức tài chính phi NH là "tổ chức tài chính có tầm quan trọng về mặt hệ thống" (SIFI) và do đó phải chịu các hạn chế bổ sung.
Các anh cả nhìn nhau
Động thái này đang gây ra những quan ngại đối với các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia khác. Chuyên gia Karen Shaw Petrou, quản lý đối tác tại Federal Financial Analytics Inc cho rằng: "Câu hỏi lớn mà người châu Âu đang chờ đợi rõ ràng là liệu Mỹ có thực sự theo cách riêng của mình trong giải quyết các vấn đề quan trọng như "cơ chế giải quyết có trật tự” đối với các tổ chức tài chính gặp khó khăn hay không”.
Tại Ủy ban Basel về Giám sát NH, một nhóm nhà quản lý từ những năm 1980 đến nay đã nỗ lực làm việc để đạt được các thỏa thuận quốc tế chung về tiêu chuẩn vốn của các NH. Một bản sửa đổi các quy định hiện nay nhằm hạn chế khả năng các NH sử dụng các phương pháp đánh giá rủi ro nội bộ của họ để xác định xem họ có đủ vốn hay không đã được đưa ra, tuy nhiên hiện vẫn đang bị “treo”.
Các nhà quản lý và chính trị gia châu Âu đã lập luận rằng, những thay đổi được đề xuất là quá khó khăn đối với các nhà cho vay của họ. Mỹ hiện đã tiến bước mạnh mẽ hơn so với châu Âu. Các quy định mới nhất của Basel dự kiến sẽ được hoàn thành vào đầu năm nay, nhưng đang bị treo lại trong bối cảnh các chính trị gia và các nhà quản lý châu Âu đang đợi xem liệu Tổng thống Mỹ Trump và nội các mới của ông có đảo ngược xu hướng này.
Valdis Dombrovskis, Trưởng bộ phận dịch vụ tài chính của EU cho biết, EU đang trong quá trình điều chỉnh các quy định để làm cho chúng trở nên "thân thiện hơn với tăng trưởng". Tuy nhiên theo chuyên gia này, EU sẽ không sẵn sàng hạ thấp các tiêu chuẩn để giữ cho các NH an toàn. "Chúng tôi tin tưởng Mỹ cũng sẽ đứng vững trên những nguyên tắc tương tự", ông Dombrovskis nói.
Các quan chức châu Âu cũng đang nhìn vào nội bộ Khối này trong bối cảnh Anh và EU đang chuẩn bị cho các đàm phán cho việc Anh rời EU. Theo tổ chức Intercontinental Exchange Inc, Brexit cung cấp cho Anh một cơ hội để xem xét các nguyên tắc “sai lệch” từ Brussels. Các luật sư tại Shearman & Sterling LLP có trụ sở ở London đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Anh cần xem xét sử dụng Brexit để đạt được một "khuôn khổ pháp lý phù hợp và thân thiện với thị trường”.
Ngay bản thân các nước thành viên trong EU – trong bối cảnh đang muốn cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp khi cấu trúc tài chính EU được cấu trúc lại sau Brexit – cũng cho rằng, việc thay đổi các quy định (theo hướng nới lỏng hơn) có thể sẽ giúp thiết lập động cơ khuyến khích thu hút các tổ chức tài chính đến với mình.
Như gần đây, Ireland đã “than phiền” với Ủy ban châu Âu rằng, các nước thành viên khác đang đưa ra các quy tắc lỏng lẻo hơn và coi đây là một phần của "cuộc cạnh tranh nguy hiểm" đối với hoạt động kinh doanh. NHTW châu Âu (ECB) cho biết, họ cần phải củng cố sự giám sát để ngăn chặn nguy cơ có sự “chênh lệch” trong giám sát và điều tiết với các NH trong khu vực.
Thương mại thế giới trước rủi ro suy giảm
Hầu hết các cấu phần trong Chỉ số thương mại toàn cầu của Morgan Stanley đều trải qua suy giảm trong tháng 4, qua đó đánh dấu sự suy giảm trở lại của chỉ số này. Cụ thể, ngoại trừ đồng USD còn các dữ liệu cấu phần khác như niềm tin doanh nghiệp, dầu thô, giá hàng hóa nguyên liệu và chỉ số tàu biển Baltic Dry Index đều giảm, qua đó kéo chỉ số thương mại chung giảm.
Theo chuyên gia kinh tế Elga Bartsch của Morgan Stanley: “Nếu chỉ số thương mại toàn cầu của Morgan Stanley giảm trong 3 tháng liên tiếp thì nhiều khả năng chúng tôi sẽ phải đi đến kết luận về một xu hướng giảm mới trong động lực thương mại hàng hóa toàn cầu”.
Morgan Stanley dự báo sẽ có một sự phân kỳ ngắn hạn giữa chỉ số dẫn dắt của mình và khối lượng thương mại toàn cầu (được đo lường bởi CPB World Trade Monitor). Khối lượng thương mại toàn cầu ước tính vẫn tăng trưởng khoảng 10% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên nhìn về tương lai, các yếu tố tác động tiêu cực có thể khuếch đại những khó khăn của khuynh hướng "ít thuận lợi hơn” trong giá cả hàng hóa, đồng USD và giá vận tải.
|