(Chinhphu.vn) – Với trên 88% đại biểu có mặt tán thành, chiều 12/6, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý ngoại thương.
Luật Quản lý ngoại thương được Quốc hội thông qua có 8 chương 113 điều với phạm vi điều chỉnh quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.
Luật quy định rõ về nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương là: Nhà nước quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bảo đảm minh bạch, công khai, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu, gắn với quản lý nhập khẩu. Bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia trong hoạt động ngoại thương theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Về các nội dung cụ thể, Luật quy định rõ những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương; các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý ngoại thương; biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu; biện pháp quản lý theo giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu; quá cảnh hàng hóa; các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch; biện pháp phòng vệ thương mại; tự vệ trong hàng hóa nhập khẩu nước ngoài vào Việt Nam…
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018./.
Nguyễn Hoàng