• English

Tin thị trường

Phòng ngừa rủi ro: Hiệu quả và hợp lý

NHNN đang nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong hoạt động thanh toán thẻ ngân hàng.

Đưa vào khuôn khổ để giảm thiểu rủi ro

“Đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày. Còn “đối với giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ, mỗi thẻ được rút tối đa là 5 triệu đồng Việt Nam trong một ngày”. Đây là một trong những quy định được NHNN đưa ra tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ NH.

Tham vấn ý kiến của một chuyên gia tài chính - NH, ông này cho rằng quy định này tương đối hợp lý. Bởi việc giới hạn hạn mức rút tiền tại đơn vị chấp nhận thẻ sẽ giảm lượng lưu thông tiền mặt. Bên cạnh đó, việc giới hạn hạn mức rút ngoại tệ cũng có lợi cho việc quản lý ngoại hối của Việt Nam, giảm thiểu “chảy máu” ngoại tệ.

Đây cũng là lý do được cơ quan soạn thảo đưa ra để hạn chế việc sử dụng tiền mặt là ngoại tệ được rút từ thẻ, sau đó chi tiêu không đúng mục đích được phép theo pháp luật ngoại hối. Các tổ chức thẻ quốc tế như VISA, MasterCard hiện cũng quy định rút tiền mặt tại POS tối đa 200 USD/ngày (tương đương khoảng 4,5 triệu đồng). Nên mức mà dự thảo thông tư đưa ra là 5 triệu đồng/ngày cũng là phù hợp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến băn khoăn có nên cần thiết phải đưa ra hạn mức cố định như trên hay không? Vì trong trường hợp chủ thẻ cần chi tiêu gấp với số tiền mặt lớn hơn, có nhu cầu rút tiền nhưng lại không thể rút quá 5 triệu đồng/ngày thì sẽ gặp khó khăn khiến dịch vụ NH bị hạn chế.

Trên thực tế hiện nay, nhiều NHTM có quy định hạn mức tối thiểu số tiền rút trong một ngày gấp nhiều lần so với quy định đưa ra tại dự thảo. Đơn cử như thẻ Vietcombank Connect24, quy định số tiền rút tối đa/ngày là 50 triệu đồng, với thẻ thanh toán nội địa VIB là 30 triệu đồng/ngày... Bởi vậy, không ít đề xuất cho rằng vẫn nên để từng NH có những quy định riêng về hạn mức rút tiền, phù hợp với từng đối tượng khách hàng, hạn mức của thẻ.

Đồng tình với quan điểm cần tăng cường kiểm soát rủi ro song TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc đưa ra hạn mức cần linh hoạt hơn. Theo chuyên gia này, với các NH tại Mỹ, có thể dùng thẻ tín dụng rút tiền mặt với tối đa 100%, không có hạn chế trong một lần rút tiền. Dĩ nhiên, còn tuỳ thuộc theo từng chính sách NH, vì cũng có những NH có giới hạn hạn mức. Như việc có những nhà băng dành điều kiện được rút 100% số tiền chỉ cho khách hàng Vip. Còn các khách hàng hạng trung có thể là từ 20-30%... Song họ không quy định chủ thẻ được rút tối đa bao nhiêu một ngày, hay tối đa bao nhiêu % của hạn mức tín dụng.

“Tại thời điểm này, Việt Nam duy trì chính sách quản lý ngoại hối, muốn kiểm soát việc sử dụng tiền mặt trong lưu thông nên tôi thấy quy định đưa ra tại dự thảo là tương đối hợp lý. Nhưng có lẽ cũng nên cân nhắc những quy định chốt chặn như vậy chỉ nên mang tính giai đoạn, trong tương lai cần có những quy định rộng rãi hơn. Đó còn chưa kể mỗi lần rút tiền, khách hàng chịu phí ”, ông Hiếu chia sẻ.

Nghiên cứu để có giải pháp phù hợp hơn

Không chỉ giới hạn hạn mức rút tiền, một quy định cũng gây chú ý trong dự thảo là “Trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ không quá 80% giá trị của tài sản bảo đảm và tối đa là 1 tỷ đồng Việt Nam”, “trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 triệu đồng Việt Nam”. Theo lý giải của Vụ Thanh toán (NHNN), quy định tại khoản 16 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, các đối tượng là cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Các TCTD sẽ có thể được cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng. Tuy nhiên sẽ chỉ được thực hiện trong phạm vi hạn mức thẻ tín dụng do NHNN quy định, nên NHNN cần có quy định cụ thể về hạn mức thẻ tín dụng đối với các đối tượng này.

Cơ quan soạn thảo cũng cho biết việc này chưa có tiền lệ trong thực tiễn, nên khi bắt đầu cho phép thực hiện sau khi sửa đổi Luật Các TCTD cũng cần được xem xét thận trọng. Và tại dự thảo quy định theo hướng giới hạn hạn mức tín dụng tối đa theo từng trường hợp phát hành thẻ tín dụng (có tài sản bảo đảm hoặc không có tài sản bảo đảm).

Xung quanh quy định này trong dự thảo, cả từ phía chuyên gia, NH hay khách hàng đều có những băn khoăn nhất định. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, lãnh đạo một NHTMCP cho rằng việc quản lý rủi ro với thẻ thanh toán nên để cho mỗi NHTM tự đánh giá và kiểm soát thì sẽ phù hợp hơn. “NHNN có trách nhiệm yêu cầu các NHTM phải có các chính sách về tín dụng, thẻ, thế chấp và có những thẩm định về nguồn hoàn trả của khách hàng một cách chặt chẽ. Và đấy là điểm mà NHNN kiểm soát, thay vì hạn chế”, vị này cho biết.

Thăm dò ý kiến của một số người dân, phần đông cho rằng việc hạn chế như vậy không phù hợp với mức độ phát triển. Bởi có những người có khả năng vay đến hàng tỷ đồng, tại sao lại hạn chế 500 triệu đồng? Hay có những người tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng vì sao chỉ được vay tối đa 1 tỷ đồng? Hiện nay, việc vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng không còn hiếm như trước. Giao dịch lớn vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng cho một lần thanh toán trên thẻ tín dụng ngày càng nhiều. Và thực tế này cho thấy hạn mức của thẻ tín dụng phổ biến hiện nay của các NHTM cấp cho các chủ thẻ đang cách khá xa so với quy định của NHNN đưa ra tại dự thảo.

Các NHTM cho rằng với hạn mức lớn hơn thì chủ thẻ chi tiêu nhiều hơn và cũng là tạo điều kiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. nếu hạn mức thẻ tín dụng quá thấp sẽ phần nào hạn chế những việc này. Đơn cử như người dân muốn mua một chiếc xe hơi vài tỷ đồng, thay vì có thể thanh toán qua một thẻ, thì theo quy định trong dự thảo sẽ phải dùng tới nhiều thẻ tín dụng mới thanh toán hàng hoá cần mua.

Chuyên gia cũng chia sẻ thêm, mỗi NH có những chiến lược và thế mạnh phát triển để nâng cao sức cạnh tranh. Rất khó để “gò” tất cả và xét một hạn mức tín dụng chung được. “Có thể NHNN cho rằng những chốt chặn đó không gì ngoài mục đích quản lý rủi ro. Nhưng trong một nền kinh tế thị trường, nếu đưa ra quy định chưa hợp lý, không tạo được sự đồng thuận sẽ hạn chế sức phát triển của NH. Bản thân cơ quan soạn thảo cũng nhận thấy đây là việc chưa có tiền lệ và cũng cần cân nhắc, xem xét cho phù hợp”.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank