• English

Tin thị trường

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Giảm chi phí cho DNNVV là việc làm cấp bách

Sau khi Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp kết thúc, chiều ngày 17/5, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo, thông báo về những nội dung nổi bật của Hội nghị này. Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã trả lời một số câu hỏi của báo chí về những thông tin liên quan tới hoạt động ngân hàng.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc giảm chi phí tiếp cận vốn, tạo điều kiện về vốn cho các DNNVV phát triển có đi ngược với những mục tiêu làm thế nào hạn chế tối đa nợ xấu và giảm rủi ro cho các ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc này không có gì là ngược mà đây là việc hết sức đồng thuận. Giảm chi phí cho DNNVV chính thức hay không chính thức là nhu cầu hết sức cấp bách. Giảm chi phí để tiếp cận vốn có thể bằng nhiều hình thức nhưng có một việc thiết yếu là làm thế nào giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho DNNVV.

“Việc giảm chi phí này của các NHTM nhiều năm qua đã rất tích cực, thực hiện được mục tiêu giảm càng nhiều càng tốt chi phí cũng như lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho DNNVV trên cơ sở tiết kiệm chi phí một cách hợp lý. Còn việc giảm chi phí của các NHTM nằm trong chương trình chung của nhiều năm qua và các NHTM cũng đã rất tích cực thực hiện được mục tiêu giảm càng nhiều càng tốt chi phí, đặc biệt là lãi suất cho vay cho DNNVV”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Liên quan tới câu hỏi của phóng viên về việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao với gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng có tạo ra tình trạng thừa như đã xảy ra với dưa hấu, thịt lợn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, vấn đề lợn thừa, dưa hấu thừa, không phải chỉ do yếu tố trong nội tại nền kinh tế của chúng ta, tức là do giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa cung và cầu mà có thể còn những nguyên nhân khách quan, như vấn đề xuất khẩu hay vấn đề khác, tạo ra sự đột biến tạo ra thừa có tính chất rất cấp bách như vừa qua. Bình thường, những năm trước, câu chuyện nuôi lợn, tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu không có vấn đề đột xuất như vừa qua.

“Đối với gói 100 nghìn tỷ đồng, lần họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4, sau họp báo có một phóng viên hỏi tôi, gói 100 nghìn tỷ có thừa không, có nhiều quá hơn hay là ít” – Phó Thống đốc nhớ lại và chia sẻ, bây giờ chưa thể nói ngay được vấn đề gói 100 nghìn tỷ đồng này nhằm để hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là thừa hay thiếu.

Bởi lẽ nếu như nhu cầu của nền kinh tế, nhu cầu của tiêu dùng trong nước cũng như có điều kiện để xuất khẩu những sản phẩm từ công nghệ cao này tích cực, thì gói 100 nghìn tỷ này chưa chắc đã đủ để cho DN, dự án phát triển trong lĩnh vực này. Ngược lại, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, nếu tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu không bảo đảm đạt mục tiêu hay là vẫn ở mức độ thấp thôi, thì có khi gói 100 nghìn tỷ này cũng có thể chưa dùng hết.

Tuy nhiên, về phía Ngân hàng, theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như sự phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì ngành Ngân hàng chủ động dành ra 100 nghìn tỷ, nhưng không phải cứ để riêng 100 nghìn tỷ để chờ cho vay. Trong ngân hàng, gói 100 nghìn tỷ là khi nào dự án cũng như các DN có nhu cầu, và thấy có hiệu quả và có thể giải ngân thì thực hiện giải ngân.

“Vì vậy, không có sự thừa lãng phí hay là 100 nghìn tỷ không dùng mà để đấy. Việc sử dụng 100 nghìn tỷ này cho nhu cầu của các DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là một định hướng chỉ đạo, xu hướng hết sức cần thiết trong lúc này bởi có thực hiện được mục tiêu này, yêu cầu này thì sản phẩm trong nông nghiệp của chúng ta mới có thể cạnh tranh được không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank