Để rõ hơn về kết quả phiên họp SCCP 1; mục tiêu, nội dung sẽ được các thành viên tham dự đề cập tại SCCP 2, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Tâm - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan.
PV: Tại phiên họp SCCP 1 (diễn ra cuối tháng 2/2017 tại Nha Trang, Khánh Hòa), Hải quan Việt Nam đã đưa ra chủ đề, sáng kiến ưu tiên của SCCP 2017 mang tính trụ cột là tạo thuận lợi thương mại và kiểm soát tuân thủ, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng trong khu vực. Vậy sau SCCP 1, nội dung này đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Dương Văn Tâm: Sau phiên họp lần thứ nhất được tổ chức tại Nha Trang vào tháng 2/2017, SCCP đã đạt được nhiều đồng thuận trong việc triển khai các nội dung quan trọng của APEC năm 2017. Tất cả 7 nội dung chính trao đổi tại SCCP1 đều nhằm thể hiện rõ 2 mục tiêu: Tạo thuận lợi thương mại và kiểm soát tuân thủ, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng.
Trong đó, kết quả nổi bật nhất tập trung vào thúc đẩy triển khai toàn diện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới và xem xét khả năng, điều kiện thực tế thực hiện sáng kiến kết nối Cơ chế một cửa trong APEC.
Ngoài ra, SCCP 1 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đơn giản hoá thủ tục hải quan, tăng cường kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới, tiến tới thực hiện các chương trình tự chứng nhận xuất xứ và kiểm tra xuất xứ, thúc đẩy thương mại điện tử qua biên giới phát triển, nhằm mục tiêu tạo thuận lợi thương mại đi cùng với đảm bảo an ninh thương mại trong chuỗi cung ứng khu vực.
SCCP1 đã đồng thuận cao 2 mục tiêu này và nhất trí tiếp tục thảo luận, đưa ra các sáng kiến đề xuất để thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
PV: Đến nay, SCCP 2 được Hải quan Việt Nam chuẩn bị ra sao; mục tiêu và những nội dung quan trọng sẽ được bàn luận giữa các thành viên 21 nền kinh tế APEC là gì, thưa ông?
Ông Dương Văn Tâm: Công tác tổ chức luôn được Hải quan Việt Nam coi trọng và triển khai chu toàn (từ khâu hậu cần, đón tiếp đại biểu đến nội dung của từng cuộc họp và đối với từng đoàn đại biểu), đáp ứng được yêu cầu của SCCP và Ban Thư ký APEC, làm sao vừa thể hiện được vai trò nước chủ nhà vừa thể hiện vai trò là thành viên tích cực đóng góp ý tưởng, sáng kiến vì một cộng đồng APEC đoàn kết, phát triển.
Bên cạnh cuộc họp chính diễn ra từ ngày 19 đến 21/8, SCCP 2 còn diễn ra các cuộc họp vệ tinh, là cơ hội để các thành viên tham gia chia sẻ quan điểm, làm rõ và đi đến đồng thuận xung quanh 7 chủ đề cốt lõi.
Trọng tâm là các thành viên sẽ tiếp tục có ý kiến về hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia và xem xét khả năng kết nối cơ chế này giữa các nền kinh tế APEC.
Đồng thời, hỗ trợ cho nỗ lực kết nối cơ chế một cửa APEC, SCCP 2 còn đề cập đến các chủ đề đáng được quan tâm, bao gồm: Phát triển chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO) tại các nền kinh tế thành viên, thông qua nỗ lực hợp tác và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau để thúc đẩy tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; thúc đẩy quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp; thương mại điện tử qua biên giới; phát triển công nghệ thông tin và quản lý rủi ro.
Theo đó, SCCP 2 sẽ khuyến khích cơ quan hải quan các nền kinh tế thành viên tiếp tục tăng cường các chương trình quản lý rủi ro để đảm bảo vừa tạo thuận lợi thương mại và nâng cao tính tuân thủ trong hoạt động thương mại của doanh nghiệp; tăng cường hợp tác hải quan trong APEC.
SCCP 2 cũng sẽ quan tâm đề cập đến vấn đề quản lý việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. SCCP nhấn mạnh việc tạo thuận lợi thương mại phải song hành cùng đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng. Do vậy, việc gia tăng hợp tác trong các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái được xác định là một hoạt động trọng yếu để đạt mục tiêu đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng giữa các thành viên APEC.
PV: Vậy, ý nghĩa hoạt động SCCP 2 sẽ đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với thành công chung của năm APEC 2017, thưa ông ?
Ông Dương Văn Tâm: Chủ đề của năm APEC 2017 là “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai”, trong đó, nhấn mạnh tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ thông qua việc hỗ trợ để tăng cường tính cạnh tranh, sáng tạo và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với hai nội dung ưu tiên của SCCP 2017, Cơ quan Hải quan Việt Nam mong muốn hải quan các nền kinh tế thành viên cùng trao đổi và đưa ra các đề xuất, khuyến nghị và sáng kiến trong thực hiện kết nối cơ chế một cửa và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi và bảo đảm an ninh thương mại trong chuỗi cung ứng khu vực. Đây cũng chính là những mục tiêu quan trọng mà SCCP thúc đẩy thực hiện với mong muốn đóng góp vào thực hiện mục tiêu Bogo 2020 về tự do hóa thương mại và đầu tư.
PV: Xin cảm ơn ông!