• English

Tin thị trường

Phát triển rau củ quả là mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phải coi việc phát triển rau - củ - quả là mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam.

Tới dự Diễn đàn Phát triển thị trường cho ngành rau - củ - quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp chiều 18/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: phải coi việc phát triển rau - củ - quả là mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam, cùng với đó là phải có giải pháp phát triển logistic về vận tải, hạ tầng, để giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ngành rau củ quả của Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển trên nền nông nghiệp nhiệt đới. Năm 2017, rau củ quả của Việt Nam đã xuất khẩu được 3,5 tỷ USD, vượt cả lúa gạo và dầu khí. Đây là sự cố gắng rất lớn của người nông dân, của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn và đặc biệt là của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng cũng cho biết, các biên bản được ký kết hôm nay về hợp tác nghiên cứu và xúc tiến đầu tư phát triển ngành nông nghiệp bền vững; về xây dựng chiến lược phát triển hệ thống logistics; về xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp cùng nhiều hợp tác khác với giá trị gần 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực này đã là minh chứng rõ nét nhất cho việc Việt Nam có dư địa lớn để phát triển ngành này.

Tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ, năng suất, chất lượng hiệu quả trong sản xuất rau củ quả của Việt Nam còn thấp, tình trạng được mùa mất giá vẫn xảy ra. Và việc phát triển ngành rau củ quả rõ ràng vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước.

Đưa ra nhận định rau củ quả sẽ dẫn đầu xu hướng thực phẩm của thế giới, Thủ tướng cho rằng, để kim ngạch bình quân tăng trên 20% mỗi năm và giá trị xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam đến năm 2020 đạt 2 tỷ USD, phải xác định chìa khóa của sự thành công là nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ, mặc dù đất nước đã đạt được một số tiến bộ về cải thiện cơ sở hạ tầng, nhưng năm ngoái Việt Nam vẫn đứng thứ 64 trên thế giới về mức độ phát triển logistics. Và chi phí logistics chiếm rất lớn trong giá thành của các sản phẩm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Do đó, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả của logistic.

Quang Hiệu - Lê Tuấn - Chí Thành (Ban Thời sự)

Đăng ký nhận tin
KienlongBank