• English

Tin thị trường

Phát triển kinh tế tư nhân là ưu tiên hàng đầu để phát triển bền vững

VOV.VN - Tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước sẽ đáp ứng nhu cầu tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.


Phát triển kinh tế tư nhân là ưu tiên hàng đầu giúp phát triển bền vững (Ảnh minh họa: KT)

Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) vừa công bố Báo cáo đánh giá về tài chính cho phát triển của Việt Nam với chủ đề “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam”.

Với mục tiêu tổng quát là hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực cải cách việc huy động, sử dụng và quản lý tài chính cho phát triển, nhằm thực hiện Chương trình nghị sự Phát triển bền vững đến năm 2030, báo cáo đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về những thay đổi trong bức tranh tài chính phát triển ở Việt Nam.

Theo báo cáo, sự gia tăng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam và việc mở rộng nguồn tài chính tư nhân trong nước là ưu tiên hàng đầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tài chính để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Haoliang Xu, Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp quốc, Giám đốc UNDP khu vực châu Á và Thái Bình Dương, đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước tăng gấp đôi vào năm 2015 so với năm 2002, song chỉ chiếm 40% tổng tài chính cho phát triển. Tỷ lệ đầu tư tư nhân trên đầu người của Việt Nam hiện thuộc nhóm thấp nhất khu vực ASEAN, khi chỉ đạt 490 USD so với mức trung bình của các nước ASEAN là 690 USD.

Ông Haoliang Xu cho rằng, Việt Nam cần sớm thực hiện một số biện pháp như khuyến khích tăng đầu tư tư nhân trong nước, đầu tư công tập trung và huy động đầu tư tư nhân; thu hút những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài liên kết công ty trong nước trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, đẩy mạnh thu thuế, quản lý tài sản công và áp dụng thuế tài sản, thuế môi trường; đồng thời, xây dựng khuôn khổ tài chính phối hợp cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Đồng tình với quan điểm này, TS Hồ Đình Bảo, Giảng viên khoa Kinh tế, Đại học kinh tế quốc dân cũng cho rằng, ưu tiên then chốt là phải đẩy mạnh sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng đầu tư ở Việt Nam thông qua việc sắp xếp thứ tự ưu tiên ở các lĩnh vực hành động.

“Cơ quan chức năng cần tạo ra một sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân trong nước. Trong đó có cả việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước và sửa đổi chính sách thu hút FDI nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho các công ty tư nhân trong nước gia nhập thị trường và tăng cường mối liên kết của các công ty này với các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu”, TS Hồ Đình Bảo khuyến nghị.

Bên cạnh đó, theo TS Hồ Đình Bảo, Nhà nước cần thực hiện các chính sách và cung cấp sự hỗ trợ có trọng điểm để các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển về qui mô, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, cải thiện các mối liên kết với các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.

“Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong việc tiếp cận đất đai và tín dụng và đặc biệt ngâng cao năng lực kỹ thuật để áp dụng công nghệ mới và nắm bắt cơ hội mà cuộc Cách Mạng Công nghiệp 4.0 mang lại. Cần xây dựng các tổ chức độc lập chuyên cung cấp hỗ trợ về đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”, ông Bảo đề xuất.

Ngoài ra, để bảo đảm các chính sách FDI trở thành một bộ phận khăng khít của chiến lược phát triển quốc gia và phát huy tối đa tác động tích cực của FDI đến tăng trưởng kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, các chuyên gia của UNDP cho rằng, trọng tâm của nỗ lực thu hút FDI cần chuyển từ số lượng sang chất lượng.

Theo chuyên gia của UNDP, Việt Nam cần nhanh chóng từ bỏ việc sử dụng các biện pháp khuyến khích qua thuế và các đặc quyền khác như là những biện pháp để thu hút FDI; tăng cường sự tham gia tích cực của mình vào các sáng kiến quốc tế nhằm khắc phục những tập quán thuế có hại liên quan đến thu hút FDI của các quốc gia. Đồng thời, có các hành động cụ thể giảm sự cạnh tranh giữa các tỉnh trong việc sử dụng ưu đãi thuế và các biện pháp khuyến khích khác để thu hút FDI.

“Việt Nam cần tích cực áp dụng các biện pháp khuyến khích khác hiệu quả hơn để thu hút FDI có chất lượng cao và dài hạn, như tập trung nỗ lực vào phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và năng lực, tăng sức mua trong nước, tăng tính “dễ đoán định” của các quy định về đầu tư, song song với việc áp dụng chế độ pháp quyền, đảm bảo sự ổn định về chính trị và cơ sở hạ tầng có chất lượng (giao thông và các tiện ích) và các dịch vụ hỗ trợ cung ứng có khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước”, chuyên gia của UNDP kiến nghị./.

Cẩm Tú

 

VOV.VN


Đăng ký nhận tin
KienlongBank