• English

Tin thị trường

Nửa đầu năm 2019, tín dụng tăng trưởng 7,33%

Tại buổi họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế theo số liệu mới cập nhật ước đạt 7,33% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tăng 6,14%).

Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao do có sự đóng góp từ nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu. “Chúng tôi nhìn thấy tín dụng ở những lĩnh vực này tăng khá”, ông Lê Minh Hưng nhận định.

Về lãi suất, lãnh đạo NHNN khẳng định: NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ; các tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm, 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước thực hiện quyết liệt giảm lãi suất cho vay với những lĩnh vực ưu tiên, áp dụng cho không chỉ những khoản tín dụng cấp mới, mà cả những khoản tái cấp vốn như vậy giảm chi phí cho nền kinh tế và neo giữ ổn định lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng với các nền kinh tế.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng. Ảnh: VGP/ Quang Hiếu

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay về cơ bản ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm; 9-11% đối với trung và dài hạn. Đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, mức tín nhiệm cao, lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 4-5%/năm.

Vốn tín dụng cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất, kinh doanh.

Đáng chú ý, lãnh đạo NHNN khẳng định: Cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.

Liên quan đến kiến nghị của các địa phương về tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, cho vay ở khu vực có dịch tả lợn Châu phi, khu vực vườn tiêu bị mất mùa do thời tiết..., Thống đốc cho biết: Ngành ngân hàng đã chủ động phối hợp với một số địa phương như Gia Lai, đánh giá tác động của thời tiết gây ảnh hưởng tiêu cực cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng tiêu. Ngành ngân hàng cũng đã cùng với địa phương đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con trên địa bàn Tây Nguyên nói chung cũng như Gia Lai nói riêng.

Cụ thể, hiện nay dư nợ cho ngành chăn nuôi lợn khoảng 51 nghìn tỷ đồng, dư nợ bị tác động do thiệt hại dịch lợn vừa qua là 1.200 tỷ.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các ngân hàng trong thẩm quyền của mình cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi và cho vay mới để phục vụ các mô hình sản xuất kinh doanh. Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa ra những giải pháp tiếp theo”, Thống đốc cho hay.

Ngành ngân hàng đã đã giải ngân khoảng 17 nghìn tỷ đồng cho vay lúa gạo vụ Đông Xuân để hỗ trợ bà con nông dân tiếp tục sản xuất.

Về tỉ giá, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng, trước tình hình biến động, NHNN đã chủ động, linh hoạt trong điều hành, tỉ giá trung tâm điều chỉnh khoảng 1%, tỉ giá thực tế biến động khoảng 0,3-0,4%.

“Trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã mua vào lượng ngoại tệ lớn đưa tổng mức dự trữ lên cao nhất từ trước đến nay. NHNN có đầy đủ dự trữ ngoại hối và công cụ bảo đảm các cân đối chung của nền kinh tế”, Thống đốc NHNN khẳng định.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đánh giá: Chính sách tiền tệ đi đúng hướng, lạm phát cũng như các chỉ số vĩ mô được điều hành ổn định.

“Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có hoạt động cần thiết để hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế ở các địa phương bền vững cũng như đảm bảo cân đối vĩ mô nhằm giữ được môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo baochinhphu.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank