• English

Tin thị trường

Những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì tạo điều kiện cho tư nhân làm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam – 2017 lần thứ 2 được tổ chức sáng nay (31/7/2017) tại Hà Nội. Thủ tướng cũng nhấn mạnh “Chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân”.

Đến năm 2020 kinh tế tư nhân sẽ đóng góp tới 50% GDP

Với chủ đề "Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5", Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong MBI (do Ngân hàng Phát triển Châu Á -ADB và Chính phủ Úc thiết lập) tổ chức.

Đây là lần thứ hai Diễn đàn Kinh tế tư nhân (KTTN) được tổ chức và lần này diễn ra vào thời điểm quan trọng, ngay sau khi Trung ương Đảng có Nghị quyết 05 nhấn mạnh vai trò KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Diễn đàn lần này sẽ chia sẻ và trao đổi về các chương trình hành động cụ thể của các DN tư nhân sau khi Nghị quyết 05 ra đời. “Các DN tư nhân đều phấn khởi bởi vì họ thấy Đảng đã có một Nghị quyết dành riêng tập trung chính về họ, sự quan tâm này là sự động viên, cổ vũ rất lớn”, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT cho biết. 

Tại Diễn đàn, các doanh nhân đã thể hiện những ý tưởng phát triển, nhưng cũng chỉ ra nhiều vướng mắc mà cộng đồng đang gặp phải và cũng nêu ra nhiều khuyến nghị chính sách cụ thể. “Chúng tôi thấy rằng mình cần phải có những cam kết, mối liên kết và những chương trình hành động cụ thể hơn nữa”, ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn VPSF 2017 phát biểu.

Diễn đàn đã mở cuộc thăm dò ý kiến của các DN tư nhân có mặt tại hội trường với câu hỏi là trong các thông điệp của Chính phủ thì DN mong muốn tiêu chí nào nhất (liêm chính, kiến tạo và hành động). Kết quả cho thấy 65% ý kiến chọn hành động, 24% chọn liêm chính và 11% chọn kiến tạo. Tại cuộc bầu chọn về triển vọng kinh doanh 2017 tại hội trường, 56% số đại biểu cho rằng “sẽ tăng”, 23% số đại biểu cho rằng “giữ nguyên” và 21% số đại biểu cho rằng “giảm đi”. Diễn đàn cũng đã khảo sát tại chỗ về khả năng có đạt được 1 triệu DN vào năm 2020 hay không. Kết quả cho thấy: 52% số ý kiến cho rằng “sẽ đạt được” và 48% số ý kiến cho rằng “không đạt được”.

Cũng tại Diễn đàn, chỉ số Niềm tin doanh nhân CEO.CI do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam xây dựng và khảo sát dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã được công bố. Kết quả chỉ số CEO.CI sẽ là một trong các căn cứ quan trọng của đối thoại công - tư tại VPSF 2017 cũng như là căn cứ cho các tuyên bố, kiến nghị, quan điểm của khu vực tư nhân Việt Nam tại Sách Trắng VPSF 2017 ra mắt cuối năm nay.

Một trong những điểm đáng lưu ý theo khảo sát là 44% số doanh nhân tham gia khảo sát cho biết bỏ lỡ cơ hội kinh doanh vì rào cản pháp lý và hạn chế thị trường. Những rào cản lớn nhất là giấy phép con quá nhiều, thủ tục hành chính, chính sách thuế, bảo hiểm và tiếp cận đất đai.  

Đối với khảo sát về “bao nhiêu % kiến nghị tại diễn đàn được giải quyết”, 48% cho rằng trên 50% kiến nghị được giải quyết, 28% ý kiến cho rằng chỉ 50% và 23% ý kiến cho rằng số kiến nghị tại diễn đàn chỉ được giải quyết dưới 50%.

Phải xem khó khăn của DN là khó khăn của chính bộ, ngành mình

Với tư cách đại diện cho đơn vị đồng sáng lập Diễn đàn VPSF, ông Dominic Mellor – Giám đốc Dự án MBI, chuyên gia kinh tế Ngân hàng ADB bày tỏ: “Tôi nghĩ, để hoạt động đối thoại giữa Chính phủ và DN có hiệu quả thì cần có câu chuyện về việc thực thi chính sách vì vẫn có chuyện về việc thực hiện và tính hiệu quả”.  

Khẳng định vai trò của DN tư nhân, Thủ tướng nhắc lại lời nói của vị Chủ tịch Ngân hàng Thế giới: “Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng, nhờ vào những nhà lãnh đạo, vào những DN tư nhân và vào người dân, cũng như vị trí địa lý nằm trong khu vực kinh tế năng động ở Đông Á. Nếu biết phát huy đầy đủ sức mạnh và khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân, thì thành công sẽ nối tiếp thành công, và hàng triệu người Việt Nam sẽ có cơ hội có được những việc làm tốt và cùng chung hưởng sự thịnh vượng của đất nước”. Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn đến năm 2020, KTTN sẽ đóng góp tới 50% GDP và phấn đấu lên 60% GDP. 

Cho rằng những kết quả khảo sát tại Diễn đàn cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư đã thể hiện rõ nét, song theo Thủ tướng “muốn hành động thì cần nhìn vào tương lai, phải có niềm tin”, Thủ tướng kêu gọi, đồng thời khẳng định quyết tâm chính trị, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị thế của KTTN sâu sắc, toàn diện hơn bao giờ hết. 

Thể hiện quyết tâm, và hành động của một Chính phủ kiến tạo và hành động, Thủ tướng cho biết, bình quân ngày nào Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng làm việc với DN về những vấn đề của DN, kịp thời giải quyết vướng mắc và điều chỉnh chính sách. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá tích cực về cải thiện chính sách đối với khối KTTN. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành và các địa phương cần lắng nghe để giải quyết các kiến nghị và DN đã nêu.

“Hãy xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến, tạo mọi thuận lợi để phát triển KTTN lành mạnh và đúng hướng… Phải xem khó khăn của DN là khó khăn của chính bộ ngành mình, cần có tâm và tài, phải nâng cao năng lực để thích ứng với yêu cầu phát triển của KTTN, theo kịp sự phát triển nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…”, Thủ tướng kêu gọi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Về phía DN, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực, phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, nhưng cũng tránh tình trạng tự ti về quy mô nguồn vốn mà không dám hợp tác với các DN lớn toàn cầu. DN nên đặt tầm nhìn xa hơn trong thế giới, để hoạt động trong các lĩnh vực và sản xuất các sản phẩm mà thế giới có nhu cầu mà Việt Nam có lợi thế như nông nghiệp, thực phẩm, du lịch... thay vì tình trạng phổ biến hiện nay là chỉ chú trọng phục vụ các doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam dưới dạng nhà cung cấp hoặc nhà thầu phụ với giá trị gia tăng thấp.

Thay mặt cộng đồng KTTN, ông Trương Gia Bình đã thể hiện cam kết phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng của  khối KTTN thêm 10-15% nữa và sẽ đóng góp 60% GDP.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank