Ngày 30/3/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có Quyết định số 625/QĐ-NHNN ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 của Chính phủ (Chương trình) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, mục tiêu của Chương trình là triển khai đồng bộ các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân dưới 5%. Phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các NHTM yếu kém được Chính phủ phê duyệt xử lý theo phương án riêng). Phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4.
Trước đó, tại Dự thảo lần 1 Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã đề cập đến con số nợ xấu khiến thị trường khá bất ngờ. Cụ thể, theo cơ quan quản lý, đến cuối tháng 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46%, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.
Với tổng dư nợ của các TCTD với nền kinh tế là 5.505.406 tỷ đồng thì con số nợ xấu thực chất có thể lên đến hơn 487 nghìn tỷ đồng.
Minh Phương /Theo Trí thức trẻ