Ngành Ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng tín dụng hiệu quả đối với lĩnh vực này.
TS. Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm.
Theo đó, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được Chính phủ ban hành ngày 12/4/2010 (Nghị định 41/2010/NĐ-CP) với nhiều giải pháp đặc thù mang tính đột phá, phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó chính sách cho vay tín chấp với hạn mức phù hợp là bước đột phá lớn nhằm tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Chính sách này được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện vào năm 2015 (Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015) và gần đây nhất là năm 2018 (Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018) với nhiều điểm đột phá mới, như: (i) Mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình đã được nâng lên gấp đôi so với năm 2015; (ii) Bổ sung chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đầu mối liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; (iii) Hoàn thiện chính sách xử lý rủi ro đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; (iv) Bổ sung quy định về quản lý dòng tiền liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và khuyến khích tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay...
Hai là, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn từ 1%-2% lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, đồng thời triển khai nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các TCTD mở rộng tín dụng nông nghiệp, nông thôn, như: Thực hiện chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho các TCTD có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên; khuyến khích các TCTD mở rộng hoạt động và phát triển thêm các gói sản phẩm tín dụng phù hợp ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các khu vực có mạng lưới ngân hàng chưa phát triển...
Ngoài ra, NHNN còn triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đồng thời niêm yết công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để doanh nghiệp, người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn được vay vốn một cách thuận lợi với thời gian nhanh nhất.
Về đầu tư tín dụng, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm trở lại đây đạt gần 20% và luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế, trong đó năm 2017 và 2018, tốc độ tăng trưởng tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt mức 25.5% và 21.4%, cao hơn nhiều so với tốc độ 18.24% và 13.88% của tín dụng chung toàn nền kinh tế.
Tính đến cuối tháng 12/2018, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này đạt gần 1.8 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 25% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình đã được nâng lên đến 200 triệu đồng.
Về tín dụng chính sách, NHCSXH hiện nay đang triển khai khoảng 20 chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có trên 85% dư nợ cho vay phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến cuối tháng 12/2018, dư nợ cho vay của NHCSXH đạt 187,792 tỷ đồng, tăng 9.31% so với năm 2017, với hơn 6.7 triệu khách hàng còn dư nợ. Vừa qua, NHCSXH đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo…
Giảm nạn tín dụng đen tại khu vực nông nghiệp, nông thôn
TS. Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN chia sẻ về định hướng chỉ đạo, điều hành của NHNN trong năm 2019 đối với tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Trước nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn và những diễn biến phức tạp của nạn tín dụng đen trong thời gian qua, trong năm 2019, NHNN chủ trương chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ: Đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và mở rộng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân khu vực nông thôn nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn và giảm nạn tín dụng đen tại khu vực này. Trong đó, NHNN sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương này. Cụ thể:
Hoàn thiện và bổ sung các cơ chế chính sách khuyến khích các TCTD mở rộng cho vay sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân.
Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết, giúp tăng giá trị gia tăng trong sản xuất, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Chỉ đạo các TCTD: (i) Tiếp tục coi nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong đầu tư và mở rộng tín dụng; (ii) Xây dựng và triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với người nông dân và đặc thù của sản xuất nông nghiệp; (iii) Triển khai kịp thời các quy định mới về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn tại Nghị định 116/2018/NĐ-CP và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất; (iv) Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, chú trọng phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện cho người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác; (v) Đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng và cung ứng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0 phù hợp để khuyến khích người dân, doanh nghiệp khu vực nông thôn sử dụng các tiện ích ngân hàng hiện đại.
Theo vietstock.vn