Thưa bà, tại sao Quỹ Citi và các đối tác lại chọn Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính toàn diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm nay?
Chúng tôi rất vui mừng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh này tại Hà Nội và đánh giá cao vai trò chủ nhà của Việt Nam tại hội nghị APEC năm nay cũng như các nỗ lực của Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn diện nhiều hơn nữa trên toàn khu vực. Thật trùng hợp, tiền thân của Hội nghị Thượng đỉnh này là Diễn đàn Tài chính vi mô châu Á cũng từng được tổ chức ở Hà Nội cách đây 9 năm.
Tài chính toàn diện đóng vai trò gì trong một thế giới ngày càng được số hóa?
Công nghệ có thể góp phần là một yếu tố giữ cân bằng và làm đòn bẩy để xây dựng động lực và quy mô cho các nỗ lực tài chính toàn diện. Chúng ta biết rằng thế giới đang thay đổi nhanh chóng hơn bao giờ hết và công nghệ đang đóng vai trò lớn hơn trong cuộc sống hàng ngày, kết nối chúng ta bằng những cách mới hơn, nhanh hơn, sáng tạo và hiệu quả hơn.
Với sự tiếp cận ngày càng gia tăng các sản phẩm tài chính được số hóa, ngày càng có nhiều người có thể tham gia vào sự vận động của các nguồn lực tài chính. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng số hóa, cần cân bằng giữa các tiến bộ công nghệ sáng tạo mới với các quan hệ đối tác sáng tạo và chính sách để tiếp tục không những thúc đẩy tài chính toàn diện cho các nhóm có thu nhập thấp, mà còn bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương về tài chính.
Chính phủ Việt Nam và NHNN Việt Nam đã và đang cam kết tăng cường tài chính toàn diện. Vậy theo bà chúng ta có thể thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam như thế nào?
Tài chính toàn diện đang ngày càng được quan tâm ở cả cấp độ toàn cầu và quốc gia, các nhà hoạch định chính sách đang ngày càng nhận ra cơ hội mà tài chính toàn diện mang lại bởi nó liên quan tới việc đảm bảo sự ổn định về xã hội và tài chính của các cộng đồng, gia đình và doanh nghiệp.
NHNN Việt Nam đã cùng chúng tôi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tài chính toàn diện, và thông qua hoạt động này, đang đẩy mạnh các nỗ lực để thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành và các bên liên quan ở trong nước và trên toàn khu vực. Chúng tôi đánh giá cao vai trò của NHNN Việt Nam trong quá trình triển khai các chương trình tài chính vi mô và tài chính toàn diện.
Quỹ Citi đã hỗ trợ nhiều chương trình tại Việt Nam trong 10 năm qua. Bà có thể cho biết thêm về các chương trình này và một số kết quả nổi bật?
Trong 10 năm qua, Quỹ Citi đã đầu tư gần 2 triệu USD vào các chương trình thúc đẩy tiến bộ kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Chúng tôi đã và đang làm việc với Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) thực hiện các chương trình giáo dục và đào tạo cho thanh niên di dân trong các trường dạy nghề ở các thành phố Hải Phòng và Cần Thơ. Sự hợp tác này đang giúp hơn 600 người trẻ tuổi nâng cao sự tự tin, các kỹ năng giao tiếp và kỹ năng chuyên môn để chuẩn bị tốt hơn cho công việc sau này.
Một ví dụ khác là sự hợp tác của chúng tôi với Trung tâm Phát triển và Tài chính vi mô. Thông qua mối quan hệ đối tác này, chúng tôi đang trang bị cho hơn 360 thanh niên trên khắp 6 huyện ngoại thành và 1 quận của Hà Nội các kỹ năng và kiến thức - bao gồm cả kỹ năng và kiến thức kinh doanh để có được việc làm hoặc khởi đầu một doanh nghiệp tạo ra thu nhập.
Các nỗ lực của Quỹ Citi còn được bổ sung thêm bởi sự hỗ trợ của các tình nguyện viên là nhân viên Citi - họ dành thời gian và kiến thức của mình để hỗ trợ các chương trình tài chính của cộng đồng. Chẳng hạn, nhân viên của Citi hướng dẫn cho một người trẻ tuổi hoặc hỗ trợ tổ chức hội thảo giáo dục tài chính như một đóng góp bổ sung cho các chương trình được Quỹ tài trợ.
Chương trình "Giải thưởng Doanh nghiệp tài chính vi mô tiêu biểu Citi (Citi Microentrepreneurship Awards - CMA)" đã được triển khai tại Việt Nam trong một thập kỷ qua. Chương trình này có ảnh hưởng như thế nào tới tài chính toàn diện ở Việt Nam?
"Giải thưởng Doanh nghiệp tài chính vi mô tiêu biểu Citi (CMA)" là một sáng kiến toàn cầu của Quỹ Citi Foundation và đã được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2007, với sự hợp tác của Nhóm Công tác tài chính vi mô Việt Nam.
Mục tiêu của “Giải thưởng Doanh nghiệp tài chính vi mô tiêu biểu Citi” là nâng cao nhận thức về việc các doanh nghiệp nhỏ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế địa phương như thế nào và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất trong lĩnh vực tài chính vi mô và tài chính toàn diện. Thông qua CMA, chúng tôi có thể thu xếp và thúc đẩy các cuộc đối thoại về tài chính toàn diện giữa các nhà thực hành tài chính vi mô, các đại diện của chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các nhà tài trợ và nhà đầu tư trên khắp Việt Nam trong những năm qua.
CMA đã xúc tiến các hoạt động tài chính toàn diện trên cả nước và thông qua giải thưởng này, chúng tôi lựa chọn và công nhận sự sáng tạo của cả các doanh nghiệp vi mô (bao gồm cả thanh niên) và các tổ chức tài chính vi mô. CMA đã cho chúng ta cơ hội để tăng cường thảo luận về các cơ hội mà tài chính toàn diện thông qua phát triển doanh nghiệp có thể mang lại trong việc xây dựng các cộng đồng và phát triển kinh tế bền vững.
Trong những năm qua, đối tác CMA của chúng tôi là Nhóm Công tác tài chính vi mô Việt Nam đã công bố các báo cáo nghiên cứu và các nghiên cứu tình huống về thành công của họ, những báo cáo này đã được trình bày tại các hội thảo quốc gia với sự hợp tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tổ chức này đã tiến hành các chuyến thăm thực địa nhiều bên tới nhiều dự án có tham gia vào các nỗ lực tài chính toàn diện.
Công việc này đã giúp các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan thấy rõ hơn kinh doanh nhỏ là động lực chính để phát triển nền kinh tế địa phương. Hơn nữa, chúng ta đang được chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các hành động thực tế và chính sách tài chính toàn diện ở Việt Nam nhằm thúc đẩy một môi trường tăng trưởng và phát triển bền vững, trong đó có việc Chính phủ đã thông qua Chiến lược Phát triển Tài chính Vi mô Quốc gia giai đoạn 2011-2020.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, bà có đề cập tới các nhà cung cấp dịch vụ mới như dịch vụ thanh toán qua di động, nhà quản lý tiền điện tử... Xin bà cho biết những nhân tố mới này có vai trò như thế nào trong việc phát triển tài chính toàn diện?
Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, kỹ thuật số và kết nối di động, các dịch vụ ngân hàng, tài chính cũng nhờ đó có được những nền tảng để triển khai những dịch vụ gia tăng tiện ích tới mọi đối tượng khách hàng. Ngày nay chiếc điện thoại di động thông minh không chỉ là phương tiện nghe gọi mà còn trở thành một phương tiện kết nối hữu hiệu từ đọc báo, xem tin tức, kết nối các trang xã hội…
Các nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng, tài chính cũng không thể bỏ lỡ cơ hội kết nối di động. Dịch vụ tài chính toàn diện của chúng ta hướng tới những đối tượng nghèo, đối tượng thu nhập không ổn định, dễ bị tổn thương trong xã hội. Việc có thêm các nhà cung cấp, các dịch vụ thanh toán số, di động mở ra một cơ hội tốt cho các đối tượng tiếp cận với các chương trình tài chính toàn diện. Thực tế ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ... các dịch vụ tài chính vi mô, tài chính toàn diện đã tiếp cận với các khách hàng thông qua kết nối di động, đây quả là một cơ hội tốt cho họ.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà và chúc cho Hội nghị thành công tốt đẹp!