• English

Tin thị trường

"NHNN cần rất thận trọng với việc điều tiết cung tiền và tín dụng trong thời gian tới"

Đây là cảnh báo của Nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). Nhóm cũng đưa ra cảnh báo về những thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt, trong đó cảnh báo tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào DN FDI và cảnh báo lạm phát năm 2019 rất đáng chú ý.


Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng năm 2018 đạt mức kỳ vọng, nhưng sẽ không ít thách thức trong năm 2019 (Ảnh minh họa)

Tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào DN FDI

Theo nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), với mức tăng trưởng tích cực 6,88% của Quý 3.2018, mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm nay. 

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2018 tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành được coi là động lực chính của tăng trưởng là công nghiệp chế biến, chế tạo  tiếp tục tăng trưởng cao (12,9%). Tuy nhiên, giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực FDI. Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài.

Lạm phát quý 3.2018 tuy không còn tăng cao như quý trước nhưng vẫn giữ ở mức cao, chủ yếu đến từ việc giá thực phẩm tiếp tục phục hồi mạnh và sự điều chỉnh tăng giá xăng dầu liên tục.

Phải nỗ lực mới kiểm soát được lạm phát năm 2019

Mặc dù lạm phát trong năm 2018 được đánh giá là vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng lạm phát trong năm 2019 sẽ ở mức đáng lo ngại nếu như giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao đồng thời Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít) kể từ 1.1.2019.

Việc nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu vào đầu năm sau sẽ tạo ra rủi ro lạm phát. Mức mục tiêu 4% như những năm vừa qua là khó có thể đạt được trong bối cảnh bất lợi như vậy.

Những tính toán sơ bộ của VEPR cho thấy NHNN cần rất thận trọng với việc điều tiết cung tiền và tín dụng trong thời gian tới nếu không muốn lạm phát vượt khỏi kiểm soát. 

Đồng USD ngày càng mạnh lên khi Fed liên tục nâng lãi suất, khiến cho tỉ giá VND/USD sẽ tiếp tục có những biến động tương đối mạnh như thời gian qua. Việc tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối hoặc nâng lãi suất để ổn định giá trị đồng VND trong ngắn hạn đều có thể dẫn tới những rủi ro cho nền kinh tế. 

Tiếp đó, việc tăng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho DN trong năm 2019 và 2020. Vì vậy, việc chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của CNY so với USD là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại.

Cũng theo VEPR, Việt Nam cần nhanh chóng cải cách chuyển đổi thể chế theo hướng tạo lập nền kinh tế thị trường đầy đủ để tránh những đối xử bất lợi theo cách Mỹ đang muốn tạo ra tiền lệ với Trung Quốc.

Về mặt vĩ mô, Việt Nam cần tranh thủ nỗ lực tạo thêm dự địa chính sách để tăng sức chịu đựng trước những rủi ro sắp tới từ môi trường toàn cầu. Đó là việc tiếp tục giảm thâm hụt ngân sách, tăng thặng dư thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính, sắp xếp lại bộ máy nhà nước và chống tham nhũng, v.v… 

 

KH.V
Báo lao động


Đăng ký nhận tin
KienlongBank