• English

Tin thị trường

Nhìn nhận rõ thực trạng, quyết tâm bảo đảm an toàn nợ công

(Chinhphu.vn) - Nguy cơ nợ công sát trần 65% GDP vào năm 2016 đã được Quốc hội, Chính phủ khắc phục nhờ một loạt giải pháp cơ cấu lại nợ công thời gian qua. Tuy nhiên, Chính phủ cần nhiều giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn nữa bằng các quy định mới tại Luật Quản lý nợ công sửa đổi đang trình Quốc hội thảo luận.

Nhớ lại những ngày đầu nhiệm kỳ trước, khi “bóng ma nợ công” bao trùm Hy Lạp, đe dọa tới nền tài khóa của cả châu Âu, làm nóng lên những lo ngại về nợ công đối với Việt Nam tại Quốc hội.

Tiền vay chưa kịp phân bổ đã tới hạn trả nợ

Thực tế, trong giai đoạn 2011-2015 vừa qua, nợ công của Việt Nam đã tăng rất nhanh so với nhiều năm trước đó khi một loạt nhiệm vụ phát triển kinh tế đã không được hoàn thành vì những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, các vấn đề an ninh, quốc phòng, trong khi Chính phủ, các địa phương phải nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của Đại hội Đảng đề ra từ đầu nhiệm kỳ.

Do vậy, thu ngân sách chỉ có mức độ, không đủ để chi nên Chính phủ phải vay mượn ở trong nước và ngoài nước để bù đắp bội chi trong khi bội chi hằng năm luôn vượt mức trần quy định của Quốc hội. Thêm vào đó, trong thời gian này, Việt Nam gặp nhiều thuận lợi trong vay vốn ODA ưu đãi và phát hành hiệu quả trái phiếu Chính phủ nên nợ công càng tăng nhanh. Tính trung bình mỗi năm nợ công tăng khoảng 18%, cao gấp 3 lần so với tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong nước với lãi suất lên tới 11-13%/năm từ năm 2011-2013 và kỳ hạn danh mục trái phiếu rất ngắn, tính trung bình chỉ 1,84 năm. Nhiều trường hợp, Chính phủ huy động được tiền qua trái phiếu rồi nhưng chưa kịp phân bổ cho công trình, dự án thì đã tới lúc phải trả nợ, càng gây sức ép tới khả năng chi trả nợ quốc gia.

Lo lắng hơn khi khả năng trả nợ của quốc gia còn nhiều vấn đề như hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, nợ công chưa cao (vốn vay chiếm 44% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội nhưng chỉ số hiệu quả đầu tư ICOR chỉ là 8,94%), phân bổ vốn dàn trải, phạm vi cấp bảo lãnh Chính phủ rộng, trị giá lớn với các dự án đường cao tốc, điện năng, khai khoáng, dầu khí, hàng không...

Thay đổi mạnh mẽ cơ cấu nợ công

Trước tình hình này, Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Chính phủ phải hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ cũ. Đồng thời, Chính phủ tiến hành các giải pháp tái cơ cấu nợ công theo hướng chuyển từ cơ cấu vay ngắn hạn sang vay dài hạn, phát hành TPCP có kỳ hạn dài hơn, giảm bội chi ngân sách, rà soát, đánh giá tổng thể nợ công, nợ Chính phủ để cân đối vay, trả nợ.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2014-2016, Bộ Tài chính tập trung phát hành trái phiếu có kỳ hạn 5 năm trở lên. Năm 2016, Quốc hội đặt yêu cầu trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 5 năm trở lên chiếm 70% khối lượng phát hành, kỳ hạn 3 năm là 30%. Thực tế, năm 2016, Bộ Tài chính đã phát hành TPCP kỳ hạn 5 năm trở lên là 91%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội, giúp cơ cấu nợ công thay đổi rất lớn.

Nhờ các biện pháp trên mà đến cuối năm 2016, các chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép: Nợ công ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu NSNN. Mối lo lắng nợ công sát trần 65% đã không trở thành hiện thực.

Mới đây tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định: “Chúng ta đã bảo đảm về chỉ tiêu an toàn nợ công. Quốc hội đã giám sát chặt chẽ và nhận thấy được việc này.”

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, kỳ hạn danh mục TPCP hiện nay là khoảng 6 năm, tăng gấp 3 lần so với thời kỳ trước và quan trọng hơn là lãi suất TPCP hiện là 5-6% đối với kỳ hạn 5-7 năm, giảm một  nửa. Hiện nay, nhiều món vay qua phát hành TPCP đã có kỳ hạn lên tới 15, 20 và 30 năm. Chính phủ, Bộ Tài chính đã tận dụng tối đa yếu tố thị trường để cơ cấu lại nợ công thông qua thay đổi cơ cấu, kỳ hạn của TPCP, đồng thời bảo đảm không ảnh hưởng tới lãi suất và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp từ ngân hàng thương mại.

Theo tính toán của ông Đinh Tiến Dũng, nhờ các giải pháp cơ cấu lại nợ công nên áp lực nợ công không còn “rơi” vào thời điểm này nữa mà dịch chuyển tới giai đoạn 2021-2022. Do đó, cần phải tiếp cơ cấu lại nợ trong quá trình điều hành những năm tới đây.

Nhằm bảo đảm an toàn nợ và sự phát triển lành mạnh của thị trường TPCP, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “trái phiếu hóa” toàn bộ các khoản vay ngân sách của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có giá trị 164.000 tỷ đồng, có thời hạn trả từ 5 năm trở lên, thay vì cho vay bằng hợp đồng. Với mức này, cơ sở đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội từ các ngân hàng thương mại chỉ còn là 54% tổng mức đầu tư toàn xã hội, còn lại là từ nguồn TPCP phát hành cho Bảo hiểm xã hội và các quỹ đầu tư khác.

Giải pháp quan trọng thứ hai là Chính phủ từng bước tăng nợ vay trong nước và giảm nợ vay nước ngoài. Hiện nay, nợ vay nước ngoài còn 39% và vay trong nước đã lên tới 59%, góp phần giảm rủi ro tỉ giá. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tài chính và NHNN đã phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng các kế hoạch tài chính, cung tiền cho năm 2017 và sẽ là cách thức thực hiện trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, về lâu dài, các nguyên tắc và giải pháp mới trong bảo đảm an toàn nợ công cần phải được thể chế hóa khi sửa đổi Luật Quản lý nợ công khi Quốc hội đang tập trung thảo luận về vấn đề này.

Theo đó, Quốc hội cần thảo luận để bổ sung và làm rõ hơn về phạm vi, công cụ quản lý nợ công; các tồn tại liên quan đến quy định về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, vay nợ của chính quyền địa phương; phân định giữa quản lý ngân sách, đầu tư công và quản lý nợ công; công tác giám sát và bảo đảm an toàn nợ công; quản lý rủi ro; thống kê, kế toán, kiểm tra, giám sát nợ công, nâng cao và gắn trách nhiệm giải trình với chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công của các cơ quan có liên quan.

Đây là những nội dung mới tiếp cận được với thông lệ của quốc tế, trong đó có nhiều nội dung không được quy định cụ thể trong Luật Quản lý nợ công năm 2009 khiến cho công tác quản lý, giám sát và sử dụng vay nợ còn nhiều bất cập trong thời gian qua.

Quốc Thanh/ Báo Chính Phủ


Đăng ký nhận tin
KienlongBank