(Chinhphu.vn) – Hiện nay, dư luận, cộng đồng doanh nghiệp (DN), các hiệp hội và chuyên gia kinh tế đặc biệt quan tâm đến dự thảo Luật sửa đổi 5 Luật thuế. Các ý kiến đều cho rằng dự thảo khá cụ thể nhưng vẫn có điểm chưa thuyết phục cần tiếp thu các ý kiến đóng góp rộng rãi hơn.
Đây là các ý kiến tại Hội thảo “Góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức ngày 14/9 tại Hà Nội.
Tính kỹ hơn khi điều chỉnh thuế GTGT, tăng cường quản lý chi
Hiện nay, dư luận, cộng đồng doanh nghiệp (DN), các hiệp hội và chuyên gia kinh tế đặc biệt quan tâm đến dự thảo Luật sửa đổi 5 Luật thuế, với các quy định được đánh giá sẽ có tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng từ người dân tới doanh nghiệp.
Theo một số chuyên gia, tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với quá trình hội nhập quốc tế đặt ra không ít khó khăn, rủi ro.
Hệ thống chính sách thuế ban hành thời gian qua đã cơ bản đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, hệ thống này đến nay cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước; thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho DN.
Với những nguyên nhân nêu trên, các chuyên gia và DN tại hội thảo đều đồng tình với đề xuất sửa đổi 5 luật thuế của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi đưa ra đề xuất, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cần có giải trình, đánh giá tác động khi tăng hay giảm thuế, có thực sự bảo đảm tăng thu ngân sách và bảo đảm bền vững hay không…
“Chính sách thuế phải phù hợp với các lĩnh vực, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế. Theo chương trình tái cơ cấu kinh tế, tinh thần khuyến khích ngành này, phát triển ngành kia đều được phản ánh qua thuế vì đây là công cụ quan trọng”, bà Phạm Chi Lan nói
Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng Bộ Tài chính đưa ra những căn cứ để sửa đổi 5 luật thuế là chưa đủ thuyết phục. Thứ nhất là Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị đề cập tất cả các vấn đề về ngân sách chứ không chỉ nguồn thu. Bà Lan cho rằng bội chi ngân sách cao là do chi tiêu không hiệu quả, không sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước chứ không hẳn do thu ít.
“Đó là khía cạnh quan trọng hơn nhiều, thì sẽ được đưa ra ở kênh nào, vì hiện nay tái cơ cấu đầu tư công chưa hiệu quả. Nếu chỉ giải đáp ở khía cạnh thu thì không đủ”, bà Phạm Chi Lan nói.
Có cùng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng thuế giá trị gia tăng (GTGT) là loại thuế gián thu, đánh vào người tiêu thụ, đặc biệt là người tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên vẫn ảnh hưởng tăng chi phí, giảm lợi nhuận trực tiếp đến doanh nghiệp nói riêng và nền sản xuất kinh doanh nói chung. Vì thế, các cơ quan soạn thảo cần giải quyết vấn đề thu đúng, thu đủ, công bằng để chống thất thu.
“Không nên áp các mức thuế suất khác nhau mà nên áp dụng thống nhất một mức thuế suất 10% để bảo đảm đơn giản, công bằng, thuận tiện trong việc áp dụng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đan xen nhau đồng thời cũng tránh việc lợi dụng trốn thuế, lách thuế”, Luật sư Đức kiến nghị.
Cũng bàn về thuế GTGT, theo bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia cao cấp về thuế và hải quan, Công ty TNHH tư vấn thuế C&A, hiện nay, thuế suất thuế GTGT của Việt Nam so với một số nước có thể thấp nhưng kết cấu thuế GTGT trong tổng số thu ngân sách so với một số nước lại cao.
Vì thế, bà An đề nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu trình Chính phủ và Quốc hội ban hành các Luật thuế mới nhằm điều tiết nguồn thu nhập từ các nguồn thu nhập khác phát sinh phù hợp với nền kinh tế thị trường nhằm tăng thu ngân sách, thay đổi kết cấu thu ngân sách một cách hợp lý.
Hơn nữa, vị chuyên gia này cũng đề nghị Bộ Tài chính nên xem xét lại đối tượng không chịu thuế GTGT theo hướng chọn một số loại hàng hóa thật đặc biệt với tên cụ thể để quy định thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; hoặc làm rõ tiêu chí phân biệt đối tượng chịu thuế GTGT/đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5% và hàng hóa chịu thuế suất 10% đối với các nhóm hàng dễ lẫn như sản phẩn chăn nuôi, thủy sản, tài nguyên...
Cần sự thống nhất, đồng bộ
Đại diện một số hiệp hội cũng băn khoăn về một số vấn đề mang tính kỹ thuật trong dự thảo luật. Cụ thể, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho rằng, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng nước ngọt thì giá sản phẩm sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm.
Với 65% dân số ở khu vực nông thôn có nhu cầu sử dụng bình thường, nếu cơ quan soạn thảo tự đánh giá các loại nước ngọt nào đó không tốt để áp thuế là áp đặt ảnh hưởng đến quyền lựa chọn tiêu dùng của người dân.
“Hơn nữa, chưa có cơ sở chứng minh khoa học nước ngọt là nguyên nhân gây tiểu đường và béo phì không và nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt thì có giảm được tỉ lệ béo phì, tiểu đường hay không”, ông Vỵ đặt ra câu hỏi.
Ngoài ra, tại hội thảo, các DN và hiệp hội cũng nêu ra kiến nghị đơn vị soạn thảo là Bộ Tài chính nên phối hợp với các đơn vị liên quan như Bộ Y tế, Bộ Công Thương... để đưa ra những chính sách phù hợp nhất.
Theo các chuyên gia, ngoài việc sửa đổi 5 luật thuế, Bộ Tài chính nên tìm phương án để thống nhất các luật thuế bởi còn nhiều loại thuế khác chưa được xét sửa đổi trong lần này để có quy định đồng bộ, “ra tấm ra món”, tránh việc sửa đi sửa lại không tạo được sự ổn định chính sách.
Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất, cùng với 5 Luật trên, 5 Luật khác về thuế (Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Quản lý thuế) cũng cần được nghiên cứu phương án soạn thảo một Bộ luật thuế chung.
Với ý kiến này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các cơ quan soạn thảo pháp luật nên nhìn tác động ở tất cả khía cạnh, không thể tách riêng vì người dân và DN vẫn còn chịu nhiều chi phí và thủ tục hành chính.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, đến nay vẫn chưa biết kết quả tăng thu ngân sách bao nhiêu, việc tăng thu có bền vững không hay cứ liên tục điều chỉnh.
“Tôi không chờ đợi bản đánh giá tác động do chính cơ quan soạn thảo chính sách làm vì sẽ không khách quan, mà phải có một đánh giá khách quan của một cơ quan độc lập”, bà Lan nói.
Sau khi nghe tất cả ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến trực tiếp góp ý và ý kiến nêu thêm để hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ. Ông Tuấn cũng cho rằng, đây chỉ là các bước lấy ý kiến ban đầu, dự án luật có tác động, phạm vi ảnh hưởng lớn nên Bộ Tài chính phải đánh giá, phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, thống nhất, giúp hoàn thiện dự án luật một cách tốt nhất, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và DN.
Huy Thắng