Ngày 03/01, tại Họp báo triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2024, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán đã đưa ra những con số đáng chú ý liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2023.
Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng khá
Chia sẻ tại Họp báo, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, kết quả thực hiện theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 khá tích cực. Đến tháng 11/2023, có 85 TCTD triển khai thanh toán qua Internet và 52 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile. Trong 11 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục tăng trưởng khá.
Ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ nhiều kết quả tích cực trong thanh toán không dùng tiền mặt
Cụ thể, giao dịch TTKDTM đạt trên 10 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 197 triệu tỷ đồng (tăng gần 50% về số lượng và giảm 0,71% về giá trị); qua kênh Internet đạt gần 2 tỷ giao dịch với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng (tăng hơn 56 % về số lượng và 5,80% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng (tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị); qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng (tăng gần 172 % về số lượng và hơn 74% về giá trị).
Ngoài ra, lãnh đạo Vụ Thanh toán cũng cho biết, trong thanh toán bán lẻ xuyên biên giới, NHNN đã hợp tác với một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Campuchia, Lào) để triển khai thử nghiệm kết nối thanh toán bán lẻ song phương qua QR Code.
Tại buổi họp báo, NHNN cũng thông tin về công tác triển khai ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng. Đến cuối năm 2023, có gần 27 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động và 12,9 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng eKYC.
Tại họp báo ông Tuấn chia sẻ thêm những con số đáng chú ý tính đến cuối tháng 9/2023 liên quan đến dịch vụ Mobile Money. Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money là hơn 5,6 triệu tài khoản. Trong đó, số lượng tài khoản của khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là hơn 3,9 triệu tài khoản (chiếm 70,12% tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ); có 11.696 điểm kinh doanh được thiết lập, trong đó số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 6.426 điểm, chiếm khoảng 55% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, số lượng điểm kinh doanh tăng 1,42 lần so với thời điểm cuối tháng 9/2022; Tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile-Money của khách hàng (bao gồm giao dịch nạp/rút/chuyển tiền/thanh toán) là hơn 47 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch gần 2.390 tỷ đồng. Trong 2 năm thí điểm, chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm được đảm bảo, chưa xảy ra các rủi ro, sự cố lớn trong quá trình cung cấp dịch vụ, tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ và tăng cường tiếp cận với đối tượng khách hàng mới, đặc biệt ở các khu vực còn khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ thanh toán và ngân hàng.
“Số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã đạt được tỷ lệ cao so với tổng số lượng khách hàng đăng ký dịch vụ Mobile Money trong thời gian vừa qua (70,12%), đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu của dịch vụ Mobile Money tại Quyết định 316/QĐ-TTg”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết.
Bên cạnh đó, số lượng giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đạt gần 7,42 tỷ giao dịch, tương ứng giá trị đạt gần 54,13 triệu tỷ đồng (tăng 53% về số lượng và 13% về giá trị so với năm 2022), bình quân hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý gần 20 triệu giao dịch/ ngày.
Đối với hạ tầng thông tin tín dụng (TTTD), ông Anh Tuấn cho biết đã đạt được những bước phát triển rõ rệt với độ phủ thông tin ngày càng mở rộng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng thông tin.
Mục tiêu cao nhất là bảo vệ khách hàng
Để đảm bảo an toàn trong công tác thanh toán trực tuyến, ông Tuấn cho biết, NHNN đã ký kết với Bộ Công an tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Nhiều nội dung quan trọng đã được triển khai trong năm 2023 như phối hợp làm sạch dữ liệu của những người mở tài khoản thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Nghiên cứu, khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin thông qua căn cước công dân gắn chip; Nghiên cứu để sử dụng số định danh VNeID trong việc mở và sử dụng các dịch vụ từ ngân hàng.
“Đến cuối năm 2023, NHNN đã phối hợp với Cục C06 - Bộ Công an làm sạch trên 42 triệu hồ sơ khách hàng liên quan đến cơ sở thông tin tín dụng CIC. 53 TCTD đã phối hợp với các doanh nghiệp do bộ Công an cấp phép để nghiên cứu, phối hợp đưa các giải pháp, thiết bị để xác thực người dùng bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip. 43 TCTD đã và đang triển khai kế hoạch làm sạch dữ liệu thông qua sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,” ông Phạm Anh Tuấn thông tin thêm.
Cũng trong buổi họp báo, ông Phạm Anh Tuấn đã giải đáp thắc mắc liên quan tới các biện pháp phòng ngừa lừa đảo trong giao dịch trực tuyến. Vụ trưởng Vụ Thanh Toán cho biết, hiện tại còn nhiều tài khoản ví điện tử không chính chủ. Đây là điểm mà nhiều đối tượng lợi dụng cho các hoạt động trái pháp luật. Các NHTM ghi nhận tình trạng xuất hiện các trường hợp mua bán, thuê mượn tài khoản cho các đối tượng lừa đảo. Trong bối cảnh lừa đảo công nghệ cao ngày càng phức tạp, nhiều người dân không ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trước tình trạng này, NHNN đã ra văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát và kiểm tra các tài khoản hồ sơ không khớp giấy tờ, nghiên cứu tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Liên quan đến hoạt động thanh toán, một số TCTD lo ngại gặp khó khăn trong thực hiện một số quy định tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Thanh toán khẳng định, mục tiêu cao nhất của quy định trên của NHNN là bảo vệ an toàn tài sản cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng. Do đó các TCTD phải phát huy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ khách hàng. Theo ông Tuấn, trên thực tế, Quyết định 2345 không phải đột ngột, mà ngay từ ngày 24/4/2023, khi NHNN và và Bộ Công an ký kết Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 cũng đã đặt ra vấn đề định hướng NHNN sẽ sử dụng dữ liệu sinh trắc học cho việc xác thực các giao dịch thanh toán.
Hơn nữa, Quyết định 2345 quy định thời hạn áp dụng là từ ngày 1/7/2024 mới đưa vào áp dụng. Còn thời gian áp dụng đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt là từ ngày 01/01/2025. Do đó có đủ thời gian cho các tổ chức tín dụng nghiên cứu, trang bị, mua sắm. Cũng theo ông Tuấn, Luật Các TCTD và các quy định liên quan đều yêu các tổ chức tín dụng khi mở tài khoản và khi khách hàng sử dụng tài khoản phải đảm bảo đúng chính chủ. “Chúng ta phải có trách nhiệm với tiền gửi người dân, không để kẽ hở và sử dụng tài khoản một cách tùy tiện, không đảm bảo chính chủ. Chúng tôi rất mong các TCTD hết sức phát huy trách nhiệm bảo vệ khách hàng. Người ta tin tưởng thì mới mở tài khoản tại ngân hàng mình, nên là phải làm sao người dân hoàn toàn không lo lắng về lừa đảo, gian lận, mất mát. Và khi có hiện tượng lừa đảo, gian lận thì chúng ta sẽ giữ được ở mức tối thiểu nhất, vì nếu chuyển quá hạn mức đó thì phải xác thực sinh trắc học”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Thanh Toán cũng nêu rõ, quy định trên chỉ áp dụng với các giao dịch chuyển tiền mà không áp dụng với các giao dịch thanh toán. Tất cả các giao dịch thanh toán đối với các đơn vị chấp nhận thanh toán, các điểm mua hàng do các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đã xác thực thì không yêu cầu bên thanh toán phải xác thực sinh trắc học.
Theo thoibaonganhang.vn