Dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, chiều ngày 12/3 NHNN Việt Nam đã tổ chức họp báo thông tin về việc ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và sẽ có hiệu lực từ ngày 12/3.
Tạo hành lang pháp lý
Phó Thống đốc Đào Minh cho biết, với tinh thần khẩn trương nhất NHNN đã chính thức ban hành Thông tư 01 quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Ý nghĩa quan trọng nhất của Thông tư 01 là tạo điều kiện cho DN tiếp tục có vốn, bằng nguồn vốn vay ngân hàng kết hợp với nguồn vốn của mình để khắc phục khó khăn, tiếp tục sản xuất kinh doanh”, Phó Thống đốc nhấn mạnh và cho biết thêm, ngay từ khi bắt đầu có dịch, NHNN đã có nhiều biện pháp, khẩn trương chỉ đạo đối phó với dịch bệnh.
Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn của DN chưa thể định lượng chính xác mà mới chỉ tạm tính bởi diễn biến khó lường của dịch bệnh. Vì vậy, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh việc cơ cấu lại nợ như giãn giảm lãi vay, tái cơ cấu nợ là giải pháp thiết thực nhất, cấp thiết nhất đối với DN trong bối cảnh hiện nay. Song điều này cũng đặt “gánh nặng” lên vai các NHTM. Vì vậy, tại Thông tư này, NHNN sẽ tạo cơ chế thuận lợi nhất để các NHTM có thể chủ động trong việc xử lý, tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn cho khách hàng. “Tuy nhiên đã là chính sách ưu đãi thì phải đúng đối tượng để tránh việc lợi dụng, sai chính sách cả về phía DN cũng như các ngân hàng”, Phó Thống đốc lưu ý.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo
Thông tin cụ thể hơn nội dung của Thông tư 01, ông Nguyễn Trọng Du - Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho biết, Thông tư gồm 3 Chương và 10 Điều. Về phạm vi nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tại Điều 4 Thông tư quy định nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi (bao gồm cả số dư nợ của các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) và thỏa mãn 3 điều kiện để được phép cơ cấu giữ nguyên nhóm. Điều kiện đầu tiên là khoản nợ phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Thứ hai, khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19. Thứ ba, khách hàng được đánh giá không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19...
Điều 6 Thông tư quy định TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020 trong thời gian cơ cấu lại, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều này đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định Thông tư này. TCTD phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thời hạn đã được cơ cấu lại theo quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD mà không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn. “Quy định nhằm giúp cho TCTD có khung khổ pháp lý tiếp tục xem xét cho vay mới. Hai nữa là không bị nhảy nhóm đảm bảo hỗ trợ cho chính TCTD trong vấn đề thực hiện phân loại, trích lập dự phòng rủi ro cho phù hợp, nhất là trong giai đoạn tạm thời ảnh hưởng bởi Covid”, ông Du chia sẻ thêm.
Thông tư cũng yêu cầu TCTD đảm bảo vai trò kiểm soát duy trì đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng. Thông tư cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN trong việc thanh tra, giám sát, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện Thông tư.
Ngân hàng sẵn sàng cũng ứng đủ vốn cho nền kinh tế
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết từ đầu năm đến nay tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chỉ đạt 0,1%, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái là 0,85%. Theo đánh giá sơ bộ, 926.000 tỷ dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến trả nợ không đúng hạn, chiếm tỷ lệ hơn 11% trong tổng dư nợ. Trong thời gian qua, NHNN cũng đã nhận được nhiều văn bản từ các Hiệp hội như cà phê, Hiệp hội Da giày, cơ sở giáo dục công lập... đề nghị xem xét tháo gỡ khó khăn cho DN.
Đến nay, các ngân hàng đã bước đầu xem xét cơ cấu nợ cho 21.753 tỷ đồng cho các DN gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Thực hiện miễn giảm lãi thực sự đối với 8.000 khách hàng, với dư nợ trên 350 tỷ đồng. Hiện NHNN đang xem xét miễn giảm lãi cho vay khoảng 34.350 khách hàng với số dư nợ 185 nghìn tỷ đồng và đã tiếp tục hoàn thiện hồ sơ mới cho vay mới 5.493 khách hàng với số tiền cho vay dự kiến khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
Không chỉ khoanh nợ, miễn giảm lãi suất, các TCTD còn đăng ký doanh số cho vay lên đến 285 nghìn tỷ đồng cho gói hỗ trợ tín dụng, cho thấy nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc đáp ứng cho nhu cầu vốn của nền kinh tế, cả trong và sau dịch. Các ngân hàng cam kết cho vay với lãi suất giảm 0,5% - 1%/năm so với lãi suất áp dụng hiện tại. Tuy nhiên, đây không phải gói tín dụng chính sách nên các TCTD sẽ cân đối khả năng tài chính của mình để điều chỉnh giảm lãi suất cho phù hợp.
Thông tin thêm về định hướng điều hành chính sách của NHNN trong thời gian tới, Phó Thống đốc cho biết, NHNN theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh, mức độ thiệt hại của nền kinh tế đồng thời tiếp tục chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoản nợ đến hạn, giữ nhóm nợ, giảm lãi vay đối với các DN khó khăn, tiếp tục cho vay vốn. Bên cạnh đó, NHNN có văn bản chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố đặc biệt là các thành phố lớn, thực hiện việc kết nối DN và ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cùng DN. NHNN đang nghiên cứu và sẽ sớm đưa ra quyết định về lãi suất điều hành và có thể theo xu hướng giảm. Theo Phó Thống đốc, nhiều NHTW trên thế giới cũng đã điều chỉnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của dịch bệnh. Giảm lãi suất điều hành là một cơ chế chính sách, giải pháp giúp TCTD có thanh khoản dồi dào, nguồn vốn lãi suất thấp hơn hỗ trợ được DN nhiều hơn…
Theo thoibaonganhang.vn