• English

Tin thị trường

Nhiều địa phương có số thu nội địa từ 63% dự toán trở lên

(TBTCO) - Bộ Tài chính vừa có báo cáo vè tình hình thực hiện NSNN tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2017. Theo báo cáo, ước tính có 43/63 địa phương có số thu nội địa đạt từ 63% dự toán trở lên, 55/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. 

Tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 8 ước đạt 78,2 nghìn tỷ đồng, giảm 38,5 nghìn tỷ đồng so với tháng 7.

Theo đó, lũy kế đến hết tháng 8, tổng số thu NSNN ước đạt 762,8 nghìn tỷ đồng, bằng 62,9% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu nội địa ước đạt 603,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng thu nội địa từ đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận còn lại và tiền bán bớt cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt 473,9 nghìn tỷ đồng, bằng 60,6% dự toán.

Cũng báo cáo này cho biết, từ quý II/2017, hoạt động của nền kinh tế đã có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng sản xuất công nghiệp chậm, một số ngành sản xuất có đóng góp số thu lớn cho ngân sách (khai khoáng, sản xuất lắp ráp ô tô…) tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước đã ảnh hưởng đến tiến độ các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất- kinh doanh.

Bên cạnh đó, do một số nguyên nhân khách quan (hoạt động sản xuất- kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty gặp khó khăn, lợi nhuận giảm; một số công ty chưa tổ chức đại hội cổ đông và chia cổ tức năm trước…) nên số thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ mới đạt 53% dự toán. Trong bối cảnh đó, số thu nội địa về tổng thể vẫn tăng so với cùng kỳ là nhờ các khoản thu gián tiếp như thu về nhà, đất đạt trên 108% dự toán, tăng 25%; thuế thu nhập cá nhân đạt 68,6% dự toán, tăng gần 30%; thu phí và lệ phí đạt 73,5% dự toán, tăng 52,6%...

 
 Đến hết tháng 8/2017, bội chi ngân sách trung ương khoảng 56,4% dự toán, ngân sách địa phương chênh lệch thu lớn hơn chi. Cơ quan KBNN đã thực hiện phát hành 143,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ trên thị trường với kỳ hạn từ 5 năm trở lên, lãi suất bình quân 6,2%/năm, đảm bảo nguồn, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách và trả nợ gốc tiền vay của ngân sách trung ương theo dự toán.

Đặc biệt, tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so với dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính có 43/63 địa phương thu nội đại đạt từ 63% dự toán trở lên, 55/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016.

Thu từ dầu thô ước đạt 29,97 nghìn tỷ đồng, bằng 78,3% dự toán, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 190,78 nghìn tỷ đồng, bằng 66,9% dự toán, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (63 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 127,7 nghìn tỷ đồng, bằng gần 71% dự toán.

Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục có chuyển biến

Báo cáo từ Bộ Tài chính cũng cho biết, tổng chi NSNN tháng 8 ước 98,4 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 8 tháng đạt trên 793,5 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, chi đầu tư phát triển thực hiện tháng 8 ước 17,67 nghìn tỷ đồng, lũy kế 8 tháng đạt khoảng 137 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong tháng 8 tiếp tục có chuyển biến. Lũy kế 8 tháng vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN giải ngân ước đạt 43,8% dự toán. Vốn trái phiếu chính phủ (do kế hoạch năm 2017 mới giao được 5,2/50 nghìn tỷ đồng) nên vốn giải ngân đến nay mới chỉ đạt 2,46 nghìn tỷ đồng, bằng 4,9% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 47,3% dự toán đã giao.

Chi thường xuyên thực hiện tháng 8 ước 74,35 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 8 tháng đạt trên 585 nghìn tỷ đồng, bằng 65% dự toán, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2016.

Chi trả nợ lãi thực hiện tháng 8 ước 5,8 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 8 tháng đạt trên 68 nghìn tỷ đồng, bằng 68,9% dự toán.

Chi dự trữ quốc gia trong tháng 8 thực hiện ước 58 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng đạt 298 tỷ đồng, bằng 35,1% dự toán. Tiến độ chi đạt thấp so dự toán chủ yếu do tính chất đặc thù trong mua sắm hàng hóa, trang thiết bị dự trữ quốc gia, một số mặt hàng có tính chất chuyên dụng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh phải nhập khẩu từ nước ngoài, hồ sơ, thủ tục phức tạp, công tác đấu thầu, phê duyệt giá, thời gian thực hiện kéo dài.

Bộ Tài chính cho biết, trong 8 tháng đầu năm, nhìn chung nhiệm vụ chi ngân sách cơ bản được đảm bảo theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ của các đơn vị sử dụng ngân sách. Công tác thanh tra, kiểm tra ngân sách được tăng cường, bảo đảm quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản công chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Nguồn dự phòng NSNN được điều hành, sử dụng chặt chẽ, đáp ứng các nhu cầu chi phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định. Bên cạnh đó, đã xuất cấp gần 109 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn.

Vân Hà/ Thời Báo Tài Chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank