Trong khi vốn cấp mới và tăng thêm giảm mạnh thì điểm sáng là góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 9,5 tỷ USD, tăng mạnh 82% so với năm 2018.
Báo cáo nhanh về tình hình đầu tư nước ngoài 8 tháng năm 2019, Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 22,6 tỷ USD, giảm gần 7% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, có 2.406 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 9,13 tỷ USD, tăng 25,4% về số dự án nhưng giảm 32,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; có 908 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với giá trị vốn đăng ký gần 4 tỷ USD, tăng 23,4% về số dự án nhưng giảm 28,6% về vốn so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi vốn cấp mới và tăng thêm giảm mạnh thì điểm sáng là góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh. Cụ thể, có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,51 tỷ USD, tăng 80% về vốn so với cùng kỳ 2018 và chiếm 42% tổng vốn đăng ký.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành/lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 15,74 tỷ USD, chiếm 69,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,31 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực bán buôn bán lẻ đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,19 tỷ USD, chiếm 5,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo đối tác đầu tư, đã có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,63 tỷ USD (tính cả 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 24,9% tổng vốn đầu tư.
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,48 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,27 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư.
Trung Quốc, Nhật Bản lần lượt xếp vị trí thứ tư và thứ năm với tổng vốn đăng ký 2,78 tỷ USD và 2,34 tỷ USD.
Xuất khẩu của khu vực FDI, kể cả dầu thô, đạt 117,95 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 69,4% kim ngạch xuất khẩu; xuất khẩu không kể dầu thô đạt 116,55 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 68,6% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực FDI đạt 96,15 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 57,7% kim ngạch nhập khẩu.
Như vậy, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 21,8 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 20,4 tỷ USD không kể dầu thô.
Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị: Phấn đấu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt một số mục tiêu định hướng chủ yếu sau: Vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD (40 - 50 tỷ USD/năm).
Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỷ USD (20 - 30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm).
Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.
Tỉ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
Việc Bộ Chính trị Việt Nam ban hành Nghị quyết về thu hút FDI là một tín hiệu tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới.
Theo enternews.vn