• English

Tin thị trường

Ngành Tài chính triển khai 100% dịch công trực tuyến cấp độ 3

(TBTCO) - Bộ Tài chính vừa phát đi thông báo về kết luận của lãnh đạo Bộ Tài chính tại Hội nghị Tin học và Thống kê ngành Tài chính lần thứ 5. Theo đó, về xây dựng Chính phủ điện tử, ngành Tài chính triển khai 100% dịch công trực tuyến cấp độ 3. 

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các lĩnh vực

Theo đó, thông báo nêu rõ, giai đoạn 2016- 2020 là giai đoạn đặc biệt quan trọng, thực hiện các đột phá chiến lược trong công tác quản lý của Chính phủ nói chung và của ngành Tài chính nói riêng nhằm mục tiêu xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần 4.

Để thực hiện mục tiêu trên, yêu cầu đặt ra đối với công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và thống kê tài chính giai đoạn 2016-2020 là:

Về xây dựng Chính phủ điện tử, ngành Tài chính triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Bên cạnh đó, xây dựng môi trường làm việc điện tử trong nội bộ ngành Tài chính theo hướng tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tạo môi trường làm việc cộng tác cao của các đon vị trong ngành Tài chính.

Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về tài chính theo đề án được phê duyệt tại Quyết định số 2376/QĐ-BTC đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, nhanh chóng và chính xác, phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ Tài chính; đồng thời thực hiện cung cấp, kết nối chia sẻ thông tin với các cơ quan Đảng, Chính phủ, bộ, ngành, UBND các cấp và nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Tài chính.

Về giải pháp kỹ thuật và công nghệ, lãnh đạo Bộ yêu cầu toàn ngành tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng CNTT;  tranh thủ các nguồn lực, sự hỗ trợ tối đa của các hãng, các doanh nghiệp CNTT trong nước để nghiên cứu, đề xuất công nghệ mới (công nghệ SMAC gồm công nghệ mạng xã hội, công nghệ di động, công nghệ phân tích dữ liệu lớn và công nghệ điện toán đám mây) triển khai phù hợp trong ngành Tài chính để tạo ra những đột phá mới, đón đầu về công nghệ trong kỷ nguyên số, mang lại hiệu quả cao trong chỉ đạo điều hành và công tác quản lý ngành tài chính.

Đồng thời, đảm bảo các hệ thống CNTT phải sẵn sàng, ổn định cao, thông tin dữ liệu phải được bảo mật, an toàn.

Bám sát Khung chính sách an toàn thông tin của Bộ Tài chính

Thông báo cũng đề cập, công tác đảm bảo an toàn thông tin giai đoạn 2016-2020 phải bám sát Khung chính sách an toàn thông tin của Bộ Tài chính, trong đó tập trung: Tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn của Nhà nước về an toàn thông tin; tổ chức giám sát an toàn thông tin, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin của người sử dụng hệ thống thông tin; đẩy mạnh công tác ứng cứu sự cố; kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp an toàn thông tin đã triển khai.

Về phát triển hệ thống thông tin thống kê tài chính, các cơ quan tài chính xây dựng liên thông thông tin thống kê tài chính tập trung, thống nhất, gắn liền với hệ thống thống kê kinh tế quốc dân và hệ thống thống kê tiền tệ của Nhà nước, phù hợp các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về thống kê tài chính Chính phủ, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu về phân tích, đánh giá, hoạch định và điều chỉnh chính sách trong quản lý, điều hành nền tài chính quốc gia của Bộ Tài chính, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhu cầu sử dụng thông tin thống kê tài chính của các tổ chức, cá nhân khác trong nước và quốc tế.

Việc quản lý triển khai ứng dụng CNTT phải có đổi mới, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ứng dụng CNTT vừa phải triển khai một cách đồng bộ, thống nhất, vừa phải đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tuân thủ đúng pháp luật, do vậy phải làm tốt công tác định hướng, quy hoạch, công tác kế hoạch và kiểm tra, đánh giá.

Đề cập tới nhân lực, đội ngũ và tổ chức bộ máy đội ngũ cán bộ CNTT, thống kê, lãnh đạo Bộ lưu ý, đây là nền tảng, yếu tố quyết định để thực hiện thành công, do vậy phải có giải pháp, biện pháp và kế hoạch xây dựng lực lượng, tổ chức bộ máy quản lý tin học và thống kê thống nhất từ Bộ đến các Tổng cục để quản lý, làm chủ các hệ thống thông tin lớn của ngành. Cán bộ CNTT, thống kê của ngành phải là người nắm vững, quản lý, chủ động trong tổ chức hệ thống thông tin của ngành, để các hệ thống thông tin được vận hành một cách linh hoạt, đáp ứng tối đa yêu cầu quản lý của ngành, không bị lệ thuộc và tác động của bên ngoài. Lãnh đạo các đơn vị cũng cần quan tâm hơn nữa tới đội ngũ cán bộ CNTT, thống kê đặc biệt là với đội ngũ cán bộ tại địa phương.

Về triển khai ứng dụng CNTT tại các Sở Tài chính phải đảm bảo tính liên thông dữ liệu phục vụ yêu cầu quản lý nghiệp vụ tài chính, đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống thông tin ngành Tài chính.

Đức Minh/ Thời Báo Tài chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank