Để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (Luật PCTN 2018) hiệu quả, Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai thi hành luật, giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng đơn vị, bộ phận.
Đặc biệt, ngành Tài chính tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự giám sát từ cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Nhiều điểm mới của Luật PCTN năm 2018
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Đặng Ngọc Tuyến - Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính cho biết, Luật PCTN 2018 được Quốc hội thông qua sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện luật này, Bộ Tài chính đã tham gia rất tích cực từ khâu soạn thảo, góp ý kiến đến khi luật được thông qua, ban hành. Ngoài xây dựng kế hoạch triển khai thi hành luật trong nội ngành Tài chính, Bộ Tài chính còn có trách nhiệm chung trong việc triển khai thực thi hành luật, tuyên truyền, phổ biến luật, xây dựng các chương trình, giáo dục, đào tạo đối với các trường, học viện trong ngành. Bộ Tài chính có trách nhiệm đảm bảo kinh phí cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai luật.
Theo ông Đặng Ngọc Tuyến, Luật PCTN 2018 có một số điểm mới. Thứ nhất, luật có sự điều chỉnh mở rộng về đối tượng phạm vi áp dụng. Trước đây, phạm vi đối tượng áp dụng chỉ trong khu vực nhà nước nhưng nay đã mở rộng đối với khu ngoài nhà nước.
Thứ hai, nội dung luật điều chỉnh cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập cũng thay đổi so với trước đây, được quy định cụ thể tại Điều 30 của luật. Đồng thời giao cho Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước…
Thứ ba, Luật PCTN 2018 còn có một sự điều chỉnh khá quan trọng đối với công tác thanh tra, kiểm toán tại Điều 64. Cụ thể, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã thực hiện thanh tra, kiểm toán nhưng sau này các cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện các vụ tham nhũng xảy ra từ cơ quan, đơn vị đã được thanh tra, kiểm toán về cùng một nội dung thì cơ quan thanh tra, kiểm toán trước đó nếu có lỗi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Đặng Ngọc Tuyến nhấn mạnh: “Với những thay đổi này, Luật PCTN 2018 giúp tăng cường quản lý chặt chẽ hơn về đối tượng trong công tác PCTN; đặc biệt giúp điều chỉnh hành vi của các cá nhân, doanh nghiệp, chủ sở hữu, cán bộ công nhân viên chức, lãnh đạo các đơn vị...”
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Xác định công tác PCTN, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Quyết định số 349/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật PCTN 2018 của ngành Tài chính, có hiệu lực từ ngày 8/3/2019. Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ phải tích cực, chủ động triển khai thực hiện kế hoạch theo đúng tiến độ đề ra, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả và phải chịu trách nhiệm về tình hình tiêu cực, tham nhũng, lãng phí ở cơ quan, đơn vị mình.
Trên cơ sở những điểm mới của Luật PCTN 2018, kế hoạch của Bộ Tài chính có nhiều điểm mới quan trọng. Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc bộ rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết và hướng dẫn, triển khai thực hiện luật. Cụ thể, Vụ Pháp chế chủ trì rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới hoặc đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới đảm bảo phù hợp với quy định của Luật PCTN, thời gian hoàn thành trong quý IV/2019.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý của mình có trách nhiệm rà soát báo cáo bộ sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới chế độ, định mức, tiêu chuẩn áp dụng để phù hợp với quy định của luật.
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị quán triệt, tuyên truyền, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo, phổ biến Luật PCTN 2018; giao từng đơn vị cụ thể thực hiện. Cụ thể, Vụ Pháp chế thực hiện tuyên truyền phổ biến, quán triệt luật theo Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2019, ban hành kèm theo Quyết định 2408/QĐ-BTC ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính tổ chức xây dựng chương trình đào tạo, tuyên truyền, phổ biến luật cho công chức, viên chức trong các chương trình đào tạo từ năm 2019. Học viện Tài chính và các trường đào tạo thuộc bộ cập nhật nội dung luật vào chương trình giảng dạy từ năm học 2019. Các cơ quan báo chí, truyền thông thuộc Bộ Tài chính thực hiện viết bài, đăng tin tuyên truyền, phổ biến quán triệt thực hiện luật.
Về tổ chức thực hiện, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thi hành luật tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và các nội dung trong kế hoạch thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình; triển khai thực hiện bảo đảm công khai minh bạch, đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí theo đúng quy định của luật. Cục Kế hoạch - Tài chính; Vụ Ngân sách Nhà nước; Vụ I; Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp; kho bạc nhà nước bảo đảm kinh phí để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Nhấn mạnh vai trò của lực lượng thanh tra trong kế hoạch triển khai thi hành luật, ông Đặng Ngọc Tuyến cho rằng, thanh tra là bộ phận tham mưu tích cực cho Bộ Tài chính trong lĩnh vực PCTN, có trách nhiệm ngay từ đầu trong việc tham gia phối hợp với Thanh tra Chính phủ xây dựng các văn bản hướng dẫn luật, triển khai luật và tổng hợp báo cáo Bộ. Đồng thời, Thanh tra Bộ Tài chính theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch và tổng hợp báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện kế hoạch này. Để thực hiện kế hoạch này, cùng với cán bộ công chức, viên chức ngành Tài chính nói chung, lực lượng Thanh tra Bộ Tài chính cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, có năng lực và trình độ chuyên môn vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn