• English

Tin thị trường

Ngành Ngân hàng kiến tạo trải nghiệm số: Khách hàng là trung tâm

Trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Thực hiện chỉ đạo này, trong thời gian vừa qua, ngành Ngân hàng đã đặt mục tiêu lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo trong định hướng chuyển đổi số của mình, gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dùng.

Chuyển đổi số là lẽ sống còn

Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 22/12/2024 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tổng Bí thư ví Nghị quyết này như một “Khoán 10” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thể hiện khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm vươn lên của đất nước.

Trong tiến trình đó, với vai trò là “huyết mạch” nền kinh tế, ngành Ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiên phong đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, từ đó lan toả sang các ngành, lĩnh vực khác. Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh điều này. Thủ tướng chỉ rõ ba mục tiêu và sáu nhiệm vụ trọng tâm để ngành Ngân hàng phát triển lên tầm cao mới thông qua chuyển đổi số.

Bám sát các Nghị quyết của Bộ Chính trị, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua, ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số. Lãnh đạo NHNN nhấn mạnh quan điểm “Chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là lẽ sống còn”. Nhờ đó mà toàn Ngành đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng: Chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn...

Tính đến cuối năm 2024, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 295 triệu tỷ đồng, gấp 25 lần GDP. Số lượng giao dịch thanh toán qua di động và QR đã tăng nhanh chóng, đã len lỏi vào trong đời sống của tất cả mọi người dân, phủ sóng cả nông thôn và các khu vực vùng sâu vùng xa. Ngành Ngân hàng cũng triển khai thành công dịch vụ Mobile Money, cho phép người dân dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Đến cuối tháng 3/2025, có gần 10,4 triệu tài khoản, trong đó hơn 72% là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Đáng chú ý, người dân hoàn toàn có thể mở tài khoản ngân hàng nhờ định danh điện tử eKYC, mà không cần tới phòng giao dịch. Đây được coi là một trong những giải pháp đột phá giúp thúc đẩy tài chính toàn diện, đưa ngân hàng đến gần hơn với khách hàng. Tính đến cuối năm 2024, có gần 87% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.

Cùng với việc thực hiện toàn diện đề án 06 và Quyết định 2345, NHNN và Bộ Công an đã phối hợp làm sạch dữ liệu của hơn 6,5 triệu hồ sơ khách hàng, hơn 38 triệu tài khoản thanh toán đã được xác thực sinh trắc học. Những giải pháp đồng bộ này nhằm xóa bỏ hoàn toàn các tài khoản ngân hàng không chính chủ và tăng cường mức độ an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Quan trọng hơn, giảm đáng kể tình trạng lừa đảo qua mạng.

nganh-ngan-hang-kien-tao-trai-nghiem-so

Thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng trở nên thân thuộc với người dân

Song song với thanh toán, các dịch vụ cho vay, cấp tín dụng cũng đang được số hóa toàn diện. Đối với doanh nghiệp, giờ chỉ cần ngồi văn phòng cũng có thể vay vốn. Hồ sơ giấy tờ, thủ tục hoàn toàn có thể làm trực tuyến 100%. Thời gian phê duyệt cũng giảm đáng kể, từ vài ngày xuống còn vài giờ.

Để có thể số hóa được quy trình vay vốn, các ngân hàng đã áp dụng dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong quá trình thẩm định, đánh giá hồ sơ vay vốn. Dựa trên việc phân tích tự động các báo cáo tài chính, khả năng kinh doanh và dòng tiền luân chuyển của doanh nghiệp, ngân hàng có những gói cho vay tín chấp đến vài tỷ đồng, mà không cần tài sản đảm bảo.

Các ngân hàng cũng đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái số cho doanh nghiệp, có thể thanh toán, nộp thuế… qua ngân hàng số hoặc API kết nối với phần mềm kế toán, cho phép doanh nghiệp giám sát và điều phối dòng tiền trong toàn hệ thống. Qua đó, giúp tăng hiệu quả kinh doanh và tiết kiệm chi phí vận hành.

Người dân, doanh nghiệp thụ hưởng thành quả chuyển đổi số

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, chuyển đổi số hiểu một cách “đơn giản và nôm na nhất” chính là làm thế nào để người dân thực hiện được tất cả các dịch vụ ngân hàng trên chiếc điện thoại di động.

Nếu như vài năm trước, người dân vẫn còn xa lạ với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với việc thanh toán các loại hoá đơn, phí dịch vụ. Giờ đây, mỗi người dân đã có thể tự tin đi chợ không cần mang tiền mặt, thanh toán rất tiện lợi. Từ chợ dân sinh tới siêu thị, từ thành thị tới nông thôn, miền núi, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến. Từ cốc trà đá, bát phở hay tiền gửi xe, người mua đã không cần mang tiền mặt, người bán cũng không cần dự phòng tiền lẻ để trả lại khách. Mọi nhu cầu thanh toán đều có thể được gói gọn trong app ngân hàng số, kể cả đặt vé tàu xe, vé máy bay, khách sạn, thanh toán hóa đơn, mua sắm…. cho tới các dịch vụ công, nộp thuế, mua bảo hiểm xã hội… Có thể thấy, mọi nhu cầu của người dân đều được đáp ứng. Người dân đang là trung tâm của quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

Để ngày càng đem lại nhiều lợi ích tới cho người dân, các ngân hàng đang xây dựng 1 hệ sinh thái tích hợp đa dịch vụ, lấy người dùng làm trung tâm, kết nối giữa ngân hàng – doanh nghiệp – cá nhân – với Chính phủ và các nền tảng số khác để có thể mở rộng thêm các sản phẩm, dịch vụ đa lĩnh vực. Theo ước tính, 94% ngân hàng tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu xây dựng chiến lược chuyển đổi số, đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng cho chiến lược số. Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc ADB Việt Nam chia sẻ: “Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào về tài chính toàn diện và chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Chúng ta có thể thấy được chuyển đổi số đã trở thành một phần trong cuộc sống của từng người dân. Ai cũng có thể sử dụng ứng dụng thông minh để giao dịch cho từng món hàng hay dịch vụ dù nhỏ hay lớn”.

Còn bà Sibylle Bachmann, Giám đốc quốc gia/Trưởng bộ phận Hợp tác, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số tại Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, từ việc tiếp cận các dịch vụ tài chính nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm chi phí, đến việc thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của khách hàng. Ngoài ra, việc này còn giúp các doanh nghiệp không chỉ tối ưu hóa quy trình kinh doanh và giảm chi phí, mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Chuyển đổi số không chỉ là một quá trình công nghệ, mà còn là một bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy phát triển. Những thành quả bước đầu từ chuyển đổi số cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm – hướng đến một nền tài chính số hiện đại, toàn diện và bền vững khẳng định tinh thần tiên phong của ngành ngân hàng trong triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trong giai đoạn tới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển quốc gia, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị và trong nhân dân, tự lực tự cường, khai thác tối đa năng lực nội sinh, với quan điểm: "Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia". Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Tại Nghị quyết 57 đặt ra mục tiêu cụ thể, quy mô kinh tế số của Việt Nam đạt tối thiểu 30% vào năm 2030 có và tăng dần lên 50% vào năm 2045. thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Dữ liệu – được ví như là máu “nuôi dưỡng” nền kinh tế số - được xem là yếu tố cốt lõi trong toàn bộ quá trình chuyển đổi số. Khi dữ liệu trở nên thông minh, sẽ hình thành nên những hệ sinh thái thông minh. Trong bối cảnh ấy, ngành Ngân hàng sẽ định hình bước đi để góp phần đưa kinh tế Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới.

Theo thoibaonganhang.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank