• English

Tin thị trường

Ngành Ngân hàng: Không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Trong năm 2017, NHNN sẽ triển khai nhân rộng cổng thông tin kết nối khách hàng vay tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đối với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường minh bạch hoá, tuyên truyền, phổ biến thông tin tín dụng để khách hàng vay hiểu và khai thác thông tin tín dụng, nâng cao tỷ lệ biết và tra cứu thông tin…

Từ năm 2016, Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ trong hành động khi ban hành và chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Với tinh thần hành động quyết liệt nhằm khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế, ngành Ngân hàng cũng đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể hướng đến nâng cao Chỉ số tiếp cận tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng.

Từ những điểm nhấn ban đầu

Nhìn lại kết quả sau gần 1 năm triển khai, ngành Ngân hàng đã có nhiều đóng góp thiết thực trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Thông qua các giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, NHNN đã  định hướng, chỉ đạo các TCTD cân đối vốn để duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Nhờ đó, lãi suất cho vay hiện phổ biến 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với nhóm khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm. Lãi suất thị trường được giữ ổn định ở mức hợp lý đã hỗ trợ giảm chi phí vốn vay của doanh nghiệp, hộ dân và không còn là yếu tố gây cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

NHNN đã chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng; trong đó chú trọng các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả thiên tai; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro...

Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông và tăng trưởng tốt trong cả năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Cơ cấu tín dụng chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ.

Theo báo cáo của NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2016 cao hơn cùng kỳ năm trước, cho thấy hiệu quả của các giải pháp chính sách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn của DN. Đặc biệt, nhiều chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực trọng điểm ưu đãi được triển khai tích cực thông qua hỗ trợ về vốn, lãi suất, thời hạn… nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển các ngành, sản phẩm mũi nhọn, lợi thế của các địa phương, khu vực...

Để cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng nhằm nâng cao khả năng thu thập, cung cấp thông tin tín dụng khách hàng vay, góp phần cải thiện xếp hạng “Chỉ số tiếp cận tín dụng”, NHNN đã hoàn thành cổng thông tin kết nối khách hàng vay cá nhân thí điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; module kết nối với khách hàng doanh nghiệp.

Từ đầu năm 2016 đến nay, tổng số khách hàng đăng ký trên cổng thông tin kết nối khách hàng vay là trên 1.000 khách hàng. Trong năm 2017, NHNN sẽ triển khai nhân rộng cổng thông tin kết nối khách hàng vay tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đối với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường minh bạch hoá, tuyên truyền, phổ biến thông tin tín dụng để khách hàng vay hiểu và khai thác thông tin tín dụng, nâng cao tỷ lệ biết và tra cứu thông tin…

Các TCTD vào cuộc quyết liệt

Bên cạnh đó, NHNN còn chỉ đạo các TCTD tăng cường đổi mới, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, dịch vụ, cắt giảm hồ sơ, thủ tục để nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân, doanh nghiệp và đề ra những mục tiêu hết sức cụ thể trong năm 2016 và cả giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, xem đây là một trong những nội dung của công tác cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng.

Lướt qua trang web của các ngân hàng, hầu hết đều đăng tải các thông tin hết sức cụ thể về hồ sơ tín dụng, dịch vụ; lãi suất, phí dịch vụ; quy định tiêu chuẩn chất lượng (thời gian, mức độ hài lòng) đối với các dịch vụ.

Qua đợt kiểm tra của NHNN vào cuối năm 2016 về tình hình, kết quả triển khai chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện NQ 19&35 của Chính phủ, cho thấy nhiều TCTD đã tích cực triển khai và có nhiều đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục, dịch vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Một số đơn vị tiêu biểu đã thực hiện tốt việc cải tiến quy trình cấp tín dụng, cắt giảm hồ sơ các lần vay và thời gian giải quyết 1 món vay, như hệ thống NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTMCP Công thương Việt Nam, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam, NHTMCP Quân đội…

Thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20-40%; Một số quy trình/sản phẩm dịch vụ đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và 48% số lượng chữ ký cán bộ ngân hàng trên hồ sơ.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cung cấp sản phẩm giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chờ đợi; trong đó giảm 70-75% thời gian đăng ký do khách hàng thực hiện trực tuyến, tiết kiệm chi phí giấy tờ, tiền bạc khoảng 45.000-50.000 đồng;

Các TCTD cũng đã phối hợp chặt chẽ với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tổ chức thành công các Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp với nhiều hợp đồng tín dụng được ký kết; cam kết hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp với lãi suất hợp lý; chủ động, phối hợp từng khách hàng, doanh nghiệp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh…

Các NHTM nhà nước đã chủ động xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể như NHNo&PTNT Việt Nam xây dựng Chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch” dành cho khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã, chủ trang trại sản xuất nông nghiệp sạch quy mô lớn với số vốn 50.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%-1,5%/năm so với lãi suất cho vay ưu tiên đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Cho vay ưu đãi với khách hàng vay tiêu dùng trong dịp cuối năm và tết nguyên đán với quy mô vốn tài trợ 5.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay ngắn hạn 7%/năm, trung dài hạn 8,5%/năm… 

Ngay cả các NHTMCP cũng vào cuộc mạnh mẽ. Như với TienPhongBank, ngân hàng này đã ban hành chương trình 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chương trình gói 3.000 tỷ đồng ưu đãi cho doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp và các chương trình ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc trang thiết bị (với lãi suất cho vay 6,5-6,9%/năm).

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với khách hàng đầu tư vào sản xuất cây trồng nông công nghiệp công nghệ cao, với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thị trường 0,5-1%/năm. VietABank ban hành gói tín dụng ưu đãi 1.500 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao; 

Diễn tiến những kết quả trong thời gian qua, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2017, trong số các nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành Ngân hàng phải tập trung triển khai, Thống đốc NHNN đã giao nhiệm vụ về đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trên cơ sở bám sát và triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động số 1355 của ngành Ngân hàng và các nhiệm vụ cả giai đoạn 2016-2020 đảm bảo đạt được mục tiêu theo đúng tiến độ, lộ trình đề ra.

Định kỳ NHNN sẽ tổ chức Đoàn kiểm tra để đánh giá kết quả triển khai của các đơn vị trực thuộc, đảm bảo các giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất và phát huy hiệu quả tối đa. NHNN cũng tiếp tục tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục quán triệt, phổ biến, hướng dẫn trong toàn hệ thống.

Đồng thời, tập trung triển khai có kết quả các giải pháp về cải tiến thủ tục, hồ sơ trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. NHNN cũng sẽ chỉ đạo các TCTD tiếp tục công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến thủ tục, hồ sơ, sản phẩm dịch vụ; rà soát, cắt giảm các loại phí không hợp lý...

Cùng với đó khuyến khích các TCTD đề xuất các chương trình nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; công bố những gói sản phẩm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Theo công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp hạng 83/138 quốc gia, cải thiện 5 bậc so với kỳ báo cáo 2015-2016 (hạng 88). Nếu theo cách đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam hiện xếp hạng 32/190, đứng thứ 3 trong ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia (cùng xếp hạng 20/190).


Đăng ký nhận tin
KienlongBank