• English

Tin thị trường

Ngành Ngân hàng không chỉ xây dựng mà còn thực thi chính sách tốt

Năm 2017, khu vực tài chính trong đó có ngân hàng đã có những thành công trong điều hành chính sách. Riêng với ngành Ngân hàng, thành công không chỉ là đưa ra chính sách tốt mà còn là hành động thực thi chính sách tốt.

Đó là nhận định được TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng đưa ra tại Diễn đàn Cơ hội đầu tư – kinh doanh 2018 do Trung tâm Tin tức VTV 24 và Báo điện tử Diễn đàn Đầu tư (BizLive) tổ chức ngày 5/1 tại Thanh Hoá.

Ông Nghĩa nói thêm, chính sách của Việt Nam thường rơi vào tình trạng xây dựng, hoạch định tốt nhưng hành động lại không mấy khi tốt. Tuy nhiên, “năm 2017 riêng ngành Ngân hàng đã kiên định với mục tiêu dài hạn, không để cho mục tiêu ngắn hạn và thành tích chính trị phá bỏ mục tiêu dài hạn”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh. Nhờ đó, các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao về hệ thống Ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là điều hành của NHNN.

Ông Nghĩa phân tích, trong điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là lãi suất, tỷ giá hối đoái, NHNN lấy mục tiêu lâu dài làm trọng tâm. Dù thị trường muốn lãi suất giảm, tỷ giá nới lỏng hơn, nhưng NHNN thấy chưa có điều kiện để giảm hay nới lỏng nên vẫn kiên trì mục tiêu ổn định và dài hạn, bài bản. Bằng chứng khác là chỉ số lạm phát cơ bản vẫn giữ ổn dịnh, CPI tăng do điều chỉnh giá các dịch vụ công chứ không phải do tác động của điều hành chính sách tiền tệ.

Lòng tin vào hệ thống ngân hàng được cải thiện, các xếp hạng về NH được thay đổi theo hướng tích cực. Triển vọng xếp hạng của Việt Nam được chuyển từ “tiêu cực” sang “ổn định" và tới năm 2017 là “ổn định tích cực”. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá nợ xấu của hệ thống TCTD Việt Nam giảm xuống đáng kể.

Đây là những tiến bộ đáng kể do nền tảng tài chính được cải thiện tốt, bao gồm tổng tài sản, vốn chủ sở hữu và khả năng sinh lời. Chỉ số sinh lời tăng gần gấp đôi lên tới 11%, có ngân hàng vượt mức 14-15%, đạt mức trung bình khá của khu vực Đông Nam Á. Công cuộc tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng và toàn hệ thống nói chung đạt kết quả bước đầu và tạo lòng tin nhất định, tạo triển vọng sáng sủa hơn trong năm 2018.

Sự cải thiện tích cực của hệ thống Ngân hàng cũng đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế năm 2017. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam nêu dẫn chứng, sự khởi sắc kinh tế diễn ra trong năm qua có yếu tố rất quan trọng là tính chu kỳ ngắn hạn của kinh tế.

Thứ nhất, từ thị trường thế giới, hầu hết các nền kinh tế phát triển hay mới nổi đều cải thiện. Việt Nam cũng được hưởng lợi trong bối cảnh chung như vậy. Thứ hai, về vấn đề tỷ giá, USD xuống giá 10% so với bình quân các đồng tiền khác, trong khi VND giữ bình ổn so với đồng USD, làm tăng tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… tăng mạnh, trong đó có lực đẩy từ yếu tố tỷ giá. Ở trong nước mang tính chu kỳ là sự cải thiện tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp Việt Nam.

Tác động của điều hành chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng vẫn sẽ đáng kể trong năm tới. Bởi theo TS. Nguyễn Xuân Thành, trong năm 2018 chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng là 6,7%. Nhìn vào giai đoạn 2015-2017, có thể thấy một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng là sự gia tăng của tiêu dùng dân cư. Thu nhập trung bình của người dân cao hơn, sức mua cao hơn. Đây chính là động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2018.

Năm 2017, dịch vụ tăng 7,5% và với đà này, nếu các yếu tố tích cực ngắn hạn không còn hỗ trợ thì các yếu tố trung hạn vẫn sẽ thúc đẩy để tăng trưởng cao hơn. “Nhưng để đạt được điều này thì các chính sách về tiền tệ phải có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Chính phủ có ổn định được lãi suất thì từ yếu tố tiêu dùng mới thúc đẩy sang các chỉ số tăng trưởng tích cực”, ông Thành khuyến nghị.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank