đạt 100,71% chỉ tiêu do Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao (295.000 tỷ đồng), tăng 9,47% (so với năm 2016), ngành Hải quan có thể tự tin vững bước vào năm 2018. Đây là dấu mốc mới quan trọng về thu ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành Hải quan và để đạt được kết quả này, toàn ngành đã nỗ lực cho đến tận giờ cuối, ngày cuối cùng của năm 2017.
Hoàn thành vào “phút chót”
Năm 2017, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu NSNN là 285.000 tỷ đồng, tăng 4,7% so với thực hiện thu năm 2016; chỉ tiêu phấn đấu được Chính phủ giao tại Chỉ thị 14/CT-TTg là 290.000 tỷ đồng; Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao chỉ tiêu phấn đấu thu là 295.000 tỷ đồng.
Đề án triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hàng không của cơ quan hải quan đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Tài chính năm 2017. Tiếp nối thành quả này, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2722/QĐ-BTC chỉ đạo triển khai thí điểm đề án tại cảng biển, cảng hàng không do Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh và Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu quản lý kể từ 2/1/2018…
Năm 2017 việc thực hiện 10 hiệp định thương mại tự do (FTAs) đa phương và song phương... đã tác động không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của ngành Hải quan do nhiều mặt hàng có kim ngạch lớn, thuế suất cao theo lộ trình phải cắt giảm sâu thuế suất thuế nhập khẩu.
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, khi các FTAs tác động đến số thu trong năm 2017, doanh nghiệp (DN) có tâm lý đợi đến thuế suất giảm sâu vào thời điểm 2018 mới gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).
Nếu như trong quý I/2017 số thu của ngành Hải quan tăng 23,3% (so với cùng kỳ), thì đến hết tháng 4/2017 con số này chỉ còn tăng 16,7%, đến hết tháng 6/2017 tăng 11% và đến các tháng 7, 8, 9 và 10 chỉ tăng gần 10% so với cùng kỳ. Đây là xu hướng khiến cho tình hình thu trong những tháng cuối năm của ngành Hải quan rất khó khăn.
Đến hết tháng 10/2017, số thu của toàn ngành Hải quan mới đạt 237.000 tỷ đồng, bằng 83,15% dự toán và 80,33% so với chỉ tiêu phấn đấu. Như vậy, để thu đạt chỉ tiêu phấn đấu 295.000 tỷ đồng do Ban cán sự Bộ Tài chính giao thì trung bình mỗi tháng còn lại toàn ngành Hải quan phải thu đạt 29.000 tỷ đồng.
Ông Lưu Mạnh Tưởng cho biết, trong những tháng cuối năm 2017, với nỗ lực, cố gắng ở mức cao nhất nhằm hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu 295.000 tỷ đồng Bộ Tài chính giao, Tổng cục Hải quan đã điều chỉnh chỉ tiêu thu của 23/35 cục hải quan; chỉ đạo toàn ngành đẩy mạnh nhóm giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa song hành cùng với nhóm giải pháp chống gian lận thương mại và thất thu về thuế; chống thất thu qua áp mã giá hàng hóa.
Mặc dù vậy, “sức ép” thực hiện nhiệm vụ thu của ngành Hải quan ngày càng tăng, “kịch tính” trong những ngày cuối của năm 2017. Đơn cử, ngày 29/12, Tổng cục Hải quan ra thông báo, đến hết 28/12, số thu của ngành là 292.215 tỷ đồng, đạt 102,5% dự toán, đạt 99,06% chỉ tiêu phấn đấu. Ước thu cả năm 2017 của ngành chỉ đạt 293.500 tỷ đồng, tăng 7,81%, đạt 102,99% dự toán… Như vậy khả năng dự kiến khó có thể hoàn thành chỉ tiêu Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao.
Tuy nhiên với vai trò quyết định, thực hiện đúng cam kết trước Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, đến trưa ngày 30/12, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh (đơn vị đóng góp số thu lớn của ngành) đã vượt chỉ tiêu thu 109.000 tỷ đồng được giao, đóng góp vào thành công chung của ngành Hải quan.
Nhiều điểm sáng cải cách hải quan
Không chỉ đạt được kết quả thu ngân sách vượt bậc, năm 2017 còn đánh dấu thành công của của ngành Hải quan trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho DN XNK mang tính đột phá, tạo đà cho việc mở rộng triển khai trong năm 2018. Tại lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD do Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 19/12/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đánh giá cao những nỗ lực cải cách của ngành Hải quan trong năm qua.
Trên thực tế, trong năm 2017, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan đẩy mạnh thực hiện các đề án, dự án cải cách TTHC, hiện đại hóa hải quan và đã đạt được một số kết quả cụ thể. Theo đó, đến nay, 100% quy trình thủ tục cơ bản được thực hiện tự động với 99% tờ khai hải quan, 99% kim ngạch XNK được xử lý thông qua hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) tại 100% đơn vị trong hệ thống hải quan; thời gian thông quan hàng hóa luồng xanh không quá 3 giây. Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN với sự tham gia của 11 bộ, ngành với 41 thủ tục hành chính, đã cho phép chia sẻ và xử lý thông tin quản lý về hàng hóa XNK một cách tự động và nhanh chóng, tạo thuận lợi cho DN, đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan đã triển khai hàng loạt đề án, dự án quan trọng như vận hành Cổng thông tin tờ khai điện tử hải quan; chính thức vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); đề án nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7; hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không.
Kết quả cho thấy, tính từ đầu tháng 3 đến 31/12/2017, Cổng thông tin tờ khai điện tử hải quan đã thu hút hơn 1 triệu tài khoản đăng ký và có gần 90.000 lượt tra cứu thông tin tờ khai, qua đó đã cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử cho các cơ quan, tổ chức liên quan để giải quyết các TTHC. Tính từ tháng 3/2017 đến nay, ngành Hải quan đã cung cấp 123 DVCTT mức độ 4 và 3 DVCTT mức độ 3 (trên tổng số 178 TTHC), đạt tỷ lệ 71%. Hệ thống DVCTT đã tiếp nhận và xử lý hơn 73.000 bộ hồ sơ TTHC với sự tham gia của gần 11.800 cá nhân, DN. Đề án nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7 được triển khải từ đầu tháng 11/2017 đã cho phép DN có thể thực hiện nộp thuế mọi nơi, mọi lúc, mọi phương tiện… Những đề án nêu trên bước đầu đã mang lại lợi ích thiết thực cho DN và được bình chọn là sự kiện tiêu biểu của Hải quan Việt Nam trong năm 2017.