• English

Tin thị trường

Ngành công thương các tỉnh phía nam tăng trưởng khá

(Chinhphu.vn) - Các tỉnh, thành phố khu vực phía nam phấn đấu trong năm 2017 tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt hơn 2 triệu tỷ đồng (tăng 11,51% so với năm 2016), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt gần 105 tỷ USD (tăng 11,6%).

Ngày 4/8 tại TPHCM, Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương TPHCM tổ chức Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía nam lần thứ IV năm 2017.

Tiếp đà tăng trưởng trong năm 2016, sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực phía nam có điều kiện phát triển thuận lợi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng 8,75% so cùng kỳ; trong đó Trà Vinh tăng 18,46%, Tiền Giang 15,1%, Tây Ninh hơn 15%, Long An 13,31%...

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, trong 6 tháng qua, các doanh nghiệp (DN) tại các địa phương tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên đã chủ động đầu tư, đổi mới cơ cấu và đẩy mạnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, hầu hết các sản phẩm đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, lĩnh vực dệt may, Bến Tre tăng gần 67%, Tây Ninh hơn 27%, Vĩnh Long gần 19%, TPHCM tăng 7,4%...; lĩnh vực thủy sản đông lạnh: Bạc Liêu tăng gần 12%, Hậu Giang tăng hơn 6%.

Về phát triển cụm công nghiệp, hiện nay toàn khu vực có 119 cụm công nghiệp. Theo quy hoạch đến năm  2020 có 359 cụm công nghiệp với diện tích 16.271 ha, chiếm 24% về số lượng và 33% về diện tích so với cả nước.

Trong 6 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía nam đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 8,86% so cùng kỳ năm 2016. Các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao là TPHCM tăng 10,2%, Bình Dương tăng hơn 20%, Đồng Nai tăng 11,45%.

Theo đánh giá, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã phối hợp kịp thời với các đơn vị triển khai các giải pháp bình ổn, bảo đảm nguồn cung hàng hóa ổn định, dồi dào và thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường chặt chẽ nên giá cả các loại hàng hóa tại khu vực không khan hiếm và tăng đột biến. Các địa phương tiếp tục định hướng phát triển hệ thống phân phối theo quy hoạch nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường và góp phần phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, khu vực phía nam gồm 20 tỉnh, thành phố, chiếm đến hơn 60% giá trị công nghiệp, 57% giá trị hàng hóa và doanh thu dịch vụ... Những năm qua, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã không ngừng phát triển, phát huy lợi thế của mình.

Ông Lê Thanh Liêm cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay, việc liên kết, kết nối giữa các địa phương nhằm phát huy các thế mạnh và lợi thế vùng là vấn đề quan trọng cần hướng tới. Theo đó, các tỉnh, thành phố cần có sự liên kết xúc tiến đầu tư, kết nối, mở rộng thị trường dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương để phát huy lợi thế của từng địa phương, qua đó hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN trong vùng.

Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía nam cho rằng, cần tăng cường liên kết giữa các địa phương để hỗ trợ quy hoạch theo vùng, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, nâng cao chất lượng và đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, quản lý nguồn gốc thực phẩm được tốt hơn.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc liên kết vùng sẽ giúp dự báo thông tin, nhu cầu thị trường sát với thực tế, từ đó giúp các DN và người dân có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.

Lê Anh/ Báo Chính Phủ


Đăng ký nhận tin
KienlongBank