Như VnEconomy đề cập ở bài viết trước , Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Ủy ban Kinh tế đã nhất trí về sự cần thiết ban hành một nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu.
Hồ sơ dự thảo nghị quyết này vừa được được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ kỳ họp khai mạc ngày 22/5 tới.
Nếu các nội dung của dự thảo được chuẩn y và ban hành, các ngân hàng thương mại có triển vọng đẩy nhanh việc tái tạo hơn 600.000 tỷ đồng đang kẹt trong nợ xấu và tiềm ẩn thành nợ xấu.
Theo đó, tương lai mới đang hứa hẹn: một mặt, lượng vốn lớn đang khê đọng trong nợ xấu có triển vọng được tái tạo, đưa trở lại phục vụ nhu cầu vốn phát triển kinh tế; mặt khác, hệ thống các tổ chức tín dụng có thêm điều kiện để cải thiện nhanh và thực chất tình hình tài chính, để hoạt động và phục vụ nền kinh tế tốt hơn.
Sức nặng của cơ chế
Cho đến nay, sau 6 năm triển khai đề án xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, quan điểm không trực tiếp sử dụng nguồn tiền ngân sách vẫn còn nguyên đó. Tuy nhiên, nếu linh hoạt về cơ chế, quá trình này có thể được đẩy nhanh để có kết quả tốt hơn thời gian qua.
Dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu, đang nằm trong tay các đại biểu Quốc hội, hướng đến những cơ chế mới có sức nặng quyết định.
Thứ nhất, dự thảo đưa ra những cơ sở, điều kiện để thúc đẩy hoạt động mua bán nợ xấu, cũng như tháo gỡ những nút thắt quan trọng đang cản trở trong thực tế.
Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các pháp nhân, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ…
Với những quy định trên, nợ xấu có điều kiện để tăng tính thanh khoản trên thị trường, thu hút thêm các nhà đầu tư tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu.
Đáng chú ý, bài toán trách nhiệm cũng đã được tháo gỡ, khi quy định dự kiến trên cho phép bán nợ xấu thấp hơn với giá trị ghi sổ của khoản nợ. Liên quan, điểm tiếp theo của dự thảo cũng đưa ra cơ chế hạch toán chênh lệch này vào kết quả kinh doanh.
Thứ hai, sức nặng lớn nhất có trong dự thảo là việc khẳng định, cùng các cơ sở đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo.
Khó khăn lớn nhất, thách thức lớn nhất và trở ngại lâu dài nhất trong quá trình xử lý nợ xấu thời gian qua và hiện nay theo đó có triển vọng được hóa giải về cơ chế.
Một tham khảo cho thấy, theo báo cáo môi trường kinh doanh 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian giải quyết một vụ việc qua tòa án khoảng 400 ngày, nhưng thực tế các vụ việc liên quan đến nợ xấu được ngành ngân hàng thống kê lại mất tới khoảng hai năm. Theo đó, chi phí liên quan chiếm tới khoảng 29% giá trị đòi nợ. Và chỉ số chất lượng tố tụng tư pháp của Việt Nam chỉ đạt 6,5/18.
Bên cạnh việc khẳng định quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho các tổ chức tín dụng nói trên, dự thảo nghị quyết cũng quy định một loạt các nội dung quan trọng, cùng góp phần thúc đẩy cho quá trình xử lý nợ xấu, như: áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm; mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản; kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án…
Ngoài định hướng tạo điều kiện giúp rút ngắn quá trình xử lý tài sản đảm bảo, tăng hiệu lực thu hồi nợ xấu, giúp giảm thiếu chi phí trong xử lý nợ xấu, dự thảo cũng gợi mở các điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng ở các chính sách thuế, phí liên quan.
Thứ ba, sức nặng giá trị nữa có trong dự thảo là cơ chế hỗ trợ phân bổ lãi dự thu, chêch lệch khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Hiểu một cách đơn giản, trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay có tình trạng, thử thách hoặc có thể nói là rủi ro lớn, dù có tính cục bộ, nằm ở lãi dự thu. Một lượng lớn khoản vay đã là nợ xấu, tiềm ẩn thành nợ xấu, không thu được lãi nhưng vẫn treo trên sổ sách.
Áp lực là, khi thoái lãi dự thu, hệ thống sẽ có thêm những ngân hàng nặng nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng liên quan đè nặng, thậm chí không đủ nguồn để thực hiện trích lập. Nếu san bằng thoái lãi dự thu này theo quy định, không loại trừ sẽ có thêm những trường hợp lỗ âm sâu vào vốn, mà bám víu chủ yếu vẫn bằng cách đẩy cao lãi suất cả huy động và cho vay để có nguồn, qua đó cản trở và gây xáo trộn thị trường, ổn định vĩ mô…
Theo đó, dự thảo mở ra hướng hỗ trợ, cho phép phân bổ số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng của tổ chức tín dụng chưa thoái theo quy định giãn ra trong lộ trình không quá 10 năm.
Theo đó, các tổ chức tín dụng có gánh nặng lãi dự thu lớn dồn tích từ nợ xấu, chủ yếu ở các trường hợp sáp nhập, hợp nhất những năm qua, sẽ có điều kiện nhẹ bước hơn trong cân đối chi phí và kinh doanh, để có cơ hội tạo lợi nhuận, có nguồn đề từng bước ghi nhận và xử lý các tồn tại. Ở đây, dĩ nhiên Ngân hàng Nhà nước vẫn chặt chẽ trong cơ chế xét chuyện lương thưởng, trả cổ tức hàng năm.
Lợi ích hơn 600.000 tỷ
Như trên, sức nặng giá trị của nghị quyết Quốc hội về xử lý nợ xấu, đã được xem xét ở tính cấp bách để ban hành, sẽ giúp đẩy nhanh việc tái tạo nguồn lực có quy mô hơn 600.000 tỷ đồng đang kẹt trong nợ xấu và tiềm ẩn thành nợ xấu.
Con số trên gồm: khoảng 150.000 tỷ đồng nợ xấu nội bảng hiện tại của các tổ chức tín dụng báo cáo; 207.876 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý; khoảng 254.000 tỷ đồng nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu (chủ yếu là khoản đã được gia hạn nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ trong giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định 780 và Thông tư 02, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp).
Theo dự thảo, nghị quyết trên sẽ có hiệu lực từ 1/7/2017, những cơ chế và hướng tháo gỡ mới sẽ có hiệu lực ngay cho các tổ chức tín dụng rút ngắn mục tiêu xử lý nhanh, thực chất và triệt để nợ xấu.
Nợ xấu không có nghĩa là vốn bị mất đi. Có cơ chế hỗ trợ thúc đẩy quá trình tái tạo, nguồn lực trong hơn 600.000 tỷ đồng đó trở lại càng nhanh, càng lớn, sẽ càng tạo điều kiện giảm thiểu chi phí trong nền kinh tế, bớt nhồi vào lãi suất, cũng như tạo nguồn kích thích trước quyết tâm đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đang nhấn mạnh.
Sau 6 năm đặt ra và loay hoay với yêu cầu xử lý nợ xấu, nếu được thông qua, nghị quyết trên của Quốc hội có thể sẽ là một dấu mốc mới, một cú hích mới để tạo được những chuyển biến thực sự về chất.
Theo Minh Đức/ VnEconomy