Phấn đấu đến năm 2020: 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thuộc tỉnh thực hiện qua NH. 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương... có thiết bị chấp nhận thẻ NH phục vụ việc thu NSNN...
Ngày 9/5/2018, NHNN đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua NH (TTQNH) đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (Đề án). Mục đích của Kế hoạch là nhằm thực hiện có hiệu quả theo Quyết định số 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Kế hoạch, ngành Ngân hàng sẽ thực hiện một số nhiệm vụ như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về TTQNH; Triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức mới, hiện đại phục vụ TTQNH đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội; Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, DN trong việc triển khai các giải pháp đẩy mạnh TTQNH đối với dịch vụ công; Tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán...
Thực tế từ lâu các NHTM đã triển khai dịch vụ thu hộ, chi hộ nhiều loại phí dịch vụ công, đặc biệt là thu thuế qua NH. Từ tháng 12/2015 các NH đã phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thu thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố với sự tham gia của trên 40 NHTM. Hay tháng 10/2017, chỉ trong một buổi sáng 5 NHTM đã “xếp hàng” để ký kết Thỏa thuận hợp tác phối hợp thu NSNN, bảo lãnh thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, thu phí, lệ phí của Cơ quan quản lý bằng phương thức điện tử với Tổng cục Hải quan.
Đại diện một trong những NH tại lễ ký kết hôm đó, ông Lê Ngọc Lâm - Phó tổng giám đốc BIDV khẳng định: NH cam kết sẽ luôn đảm bảo các điều kiện tốt nhất về nhân lực, công nghệ để triển khai có hiệu quả công tác phối hợp thu và bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử...
Theo Quyết định số 241/QĐ-TTg, Chính phủ đưa ra mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu đến năm 2020: 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thuộc tỉnh thực hiện qua NH. 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương... có thiết bị chấp nhận thẻ NH phục vụ việc thu NSNN. 70% công ty điện lực, công ty cấp nước chấp nhận TTQNH. 100% trường đại học, cao đẳng chấp nhận thanh toán học phí qua NH và 80% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua NH. Phấn đấu 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua NH; phấn đấu 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua NH...
Sẽ không dễ dàng để đạt được những mục tiêu trên, bởi thực tế cho thấy: Các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là NH đã, đang rất nỗ lực triển khai Đề án nhưng “đối tác” quan trọng là người dân lại chưa nhiệt tình hưởng ứng. Nguyên nhân hàng đầu có thể thấy do Việt Nam vẫn là nước có nền kinh tế tiền mặt, chưa nhiều người dân có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Cũng có người muốn sử dụng dịch vụ TTQNH nhưng băn khoăn với nhiều câu hỏi như: TTQNH có phức tạp, an toàn không? Sử dụng dịch vụ thì sẽ lại phải trả thêm phí... Người viết bài này không thể trả lời thấu đáo những câu hỏi này thay các cơ quan chức năng, nhưng có thể đưa ra ví dụ từ bản thân.
Cuối năm 2016 Công ty Điện lực Đống Đa không cho người đi thu tiền điện tại từng hộ dân nữa. Công ty bố trí nhiều điểm thu rải rác trong một số ngày và một khung giờ nhất định... Thế nhưng, với đặc thù nghề nghiệp có nhiều ngày tôi về nhà vào 20h - khi bàn thu tiền điện đã không còn ở đó. Việc chậm nộp tiền điện, có tháng nhận được thông báo “dọa” cắt điện khiến tôi phải làm thủ tục nộp tiền điện qua NH. Và giờ, ngay trong ngày EVN ghi chỉ số công tơ, thế nào tôi cũng nhận được tin nhắn từ NH báo đã chi hộ tiền điện. Tin nhắn của EVN Hanoi thông báo về số điện gia đình tôi tiêu thụ bao giờ cũng đến vào hôm sau (?!).
Hiện NH vẫn đang miễn phí dịch vụ chi hộ tiền điện, nước. Nhưng có lẽ số khách hàng sử dụng dịch vụ TTQNH như tôi không nhiều. Vì thế, EVN vẫn cho nhân viên đi rao như bán hàng rong: “Công ty điện lực xin thông báo: công ty sẽ thu tiền điện từ ngày…đến ngày tại…”. Sao mà ngán ngẩm bởi cái sự ồn ào không đáng có ấy.
Hà An
Thời báo Ngân hàng