• English

Tin thị trường

Ngân hàng theo sát chuyển động của nền kinh tế

NHNN giám sát chặt chẽ tình hình TTTD đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thông qua nhiều công cụ như chỉ số an toàn tài chính, hệ số thanh khoản... 

Đảm bảo giá vốn hợp lý

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa đánh giá một cách tích cực về các chính sách, hoạt động của ngành NH đối với tăng trưởng nền kinh tế.

“Thị trường tiền tệ ổn định, tín dụng tăng trưởng tích cực, mặt bằng lãi suất giảm đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh giải ngân đầu tư công gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối, tỷ giá cũng được duy trì ổn định dù đồng USD trên thị trường thế giới liên tục biến động mạnh. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, VND là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. Tỷ giá ổn định cũng góp phần giúp NHNN mua thêm được nhiều ngoại tệ để nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục mới 46 tỷ USD…”, người đứng đầu Chính phủ nhận xét hoạt động hệ thống NH trong 11 tháng qua.

Bên cạnh đó, các TCTD cũng áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm trong một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh ngoài 5 lĩnh vực được ưu tiên. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ ở mức từ 4-5%/năm. “Mặt bằng lãi suất như hiện nay chỉ bằng 40 – 50% so với năm 2011 và tương đương mức của giai đoạn 2004 - 2006”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN Phạm Thanh Hà cho hay. Theo báo cáo hoạt động mới nhất của NHNN, đến thời điểm này, mặc dù huy động vốn tăng chậm nhưng các NHTM vẫn đảm bảo vốn cung ứng cho nền kinh tế với giá khá hợp lý. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn và 9-10%/năm đối với trung, dài hạn... Như vậy, so với đầu năm, các TCTD đã giả̉m 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực này.

Để duy trì được mặt bằng lãi suất hợp lý trong điều kiện có áp lực tăng lãi suất trong những thá́ng đầu năm 2017, theo đánh giá của Tổng giám đốc VietinBank, TS. Lê Đức Thọ, là nhờ chỉ đạo điều hành quyết liệt và rất kịp thời của NHNN trong việc thực thi các công cụ chính sách tiền tệ.

Cụ thể là đầu tháng 7/2017, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành đồng thời giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên. “Mức này tạo ra mặt bằng lãi suất rất thuận lợi cho các DN để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đó đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế”, TS. Thọ nhấn mạnh.

Tín dụng tăng chất

Không chỉ tỷ giá, lãi suất, mà cả mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) đều được NHNN điều hành bám sát linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh, NHNN không bị áp lực nào gây sức ép lên tốc độ TTTD để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ngành NH yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tổng mức TTTD cũng như chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên. Quan điểm của NHNN luôn nhất quán: tăng trưởng nhưng phải đảm bảo mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo số liệu mới nhất mà Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến ngày 4/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 16% và đến cuối năm, mục tiêu TTTD toàn ngành đặt ra từ đầu năm là 18-19% sẽ hoàn thành. Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là kết thúc năm, đây cũng thường là khoảng thời gian tín dụng tăng mạnh nên khả năng TTTD thêm khoảng 2-3% là hoàn toàn có thể. Điều quan trọng nhất theo ông Hùng, tín dụng tăng trưởng không chỉ về lượng mà chất cũng được cải thiện đáng kể. Đơn cử, trong số 21 ngành kinh tế thì vốn NH tập trung chủ yếu vào các ngành là động lực của tăng trưởng kinh tế như tín dụng đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 22%; tín dụng nông nghiệp - nông thôn tăng khoảng 20% so với cuối năm trước…

Thông tin trên khá trùng hợp với số liệu phân tích mới nhất trong báo cáo tháng 11 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG). Báo cáo này khẳng định: Cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên tăng khá, trong khi đó cho vay vào hoạt động kinh doanh bất động sản giảm. Đặc biệt, khu vực nông, lâm, thủy sản luôn có mức cải thiện mạnh kể từ đầu năm; khai khoáng tăng trưởng âm và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực dẫn dắt lĩnh vực sản xuất công nghiệp…

Một thông số nữa chứng minh cho tình hình chất lượng tín dụng đã được cải thiện trong giai đoạn này được Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Phạm Thanh Hà cho biết, TTTD giai đoạn 2006 - 2010 bình quân là 33,43% trong khi tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,95%; Còn giai đoạn 2012 - 2017, TTTD bình quân 14,84% đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 6,04%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với diễn biến kinh tế hiện nay cùng những kết quả mà hệ thống NH đạt được thì thời gian còn lại của năm tình hình tài chính, kinh tế tiếp tục được giữ ổn định. “Từ nay đến cuối năm thanh khoản NH tốt, lượng vốn huy động vào cũng dễ dàng ở cả thị trường 1 và 2 nên không có gì biến động. Dù cuối năm nhu cầu chi tiêu, mua sắm, kinh doanh thường tăng nhiều lên nhưng các NH sẽ đáp ứng đầy đủ vốn nên không ảnh hưởng đến lãi suất. Mặt khác, NHNN quản lý chặt TTTD, không lo vốn chảy vào các lĩnh vực rủi ro”, Tổng giám đốc TPBank thông tin thêm.

Về phía mình, lãnh đạo vụ chức năng NHNN cho biết, từ nay đến hết năm, NHNN vẫn theo dõi sát tình hình hoạt động, thực hiện chỉ tiêu TTTD của toàn hệ thống và từng TCTD để có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo kiểm soát TTTD theo mục tiêu định hướng. Đặc biệt, NHNN giám sát chặt chẽ tình hình TTTD đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thông qua nhiều công cụ như chỉ số an toàn tài chính, hệ số thanh khoản... “Các van tín dụng đều có khóa nên NHTM không phải muốn tăng là được”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh và cho biết thêm, chính sách tỷ giá, lãi suất tiếp tục được NHNN điều hành phù hợp với diễn biến thị trường.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank