• English

Tin thị trường

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Xây dựng nền hành chính phục vụ, đặt người dân làm trung tâm

Với giá trị Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) là 89,89%, năm 2023 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam duy trì thứ hạng cao với vị trí thứ hai trên Bảng xếp hạng PAR INDEX năm 2023, ghi dấu hơn 10 năm liên tục nằm trong top 3 bộ, ngành đứng đầu PAR INDEX, trong đó 7 năm giữ vị trí thứ nhất. Đây là thành quả của một hành trình cải cách không ngừng nghỉ của NHNN nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, đặt doanh nghiệp, người dân làm trung tâm.

Duy trì thứ hạng cao về CCHC

Phát biểu tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và Chỉ số PAR INDEX năm 2023, bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, ghi nhận và biểu dương NHNN Việt Nam cùng với 2 bộ dẫn đầu chỉ số PAR INDEX 2023 “đã có nhiều nỗ lực, đột phá trong cải cách và có nhiều mô hình cải cách mới …”.

ngan-hang-nha-nuoc-vn-xay-dung-nen-hanh-chinh

Nhìn lại những năm qua, NHNN luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CCHC và cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; Từ đó, xác định chương trình hành động của toàn Ngành giai đoạn 10 năm và kế hoạch nhiệm vụ từng năm. Quan điểm và trọng tâm trong điều hành CCHC của NHNN có sự thống nhất từ lãnh đạo cao nhất là đồng chí Thống đốc NHNN đến từng cán bộ, nhân viên trong Ngành, từ Trung ương đến địa phương và được thực hiện bền bỉ, kiên trì, liên tục không có điểm dừng. Đồng thời, NHNN thường xuyên giám sát, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị trong toàn Ngành để đánh giá sát tình hình, kịp thời quán triệt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, NHNN đã tổ chức được mạng lưới công chức chuyên trách chất lượng, có trách nhiệm, năng động; quan tâm và nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực công tác và đạo đức tác phong công vụ công chức trong toàn Ngành, từ đó tăng thêm động năng triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch CCHC.

ngan-hang-nha-nuoc-vn-xay-dung-nen-hanh-chinh-1

NHNN liên tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tốt hơn

Như năm 2023, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận “với hơn 30 năm trải nghiệm qua các cải cách, diễn biến thăng trầm kinh tế Việt Nam, đây là thời điểm khó khăn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam”. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng cũng phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức với nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ. Song với vị thế của một ngành kinh tế, tài chính trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, NHNN tập trung nguồn lực đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán và phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cùng với đó là tổ chức triển khai chương trình chuyển đổi số toàn diện trên cơ sở ứng dụng những thành tựu hết sức quan trọng của Đề án 06; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho các TCTD, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý

Trong năm 2023, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác cải cách, hoàn thiện thể chế với trách nhiệm cao nhất, trong đó thực hiện nhiệm vụ lớn như xây dựng, hoàn thiện, chỉnh lý dự án Luật Các TCTD sửa đổi (đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV ngày 18/1/2024). Luật Các TCTD sửa đổi được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, tăng cường CCHC, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cụ thể đã liên thông thủ tục cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Việc TCTD không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thể hiện tinh thần cải cách, giảm đáng kể thời gian, chi phí, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

NHNN đã xây dựng khung pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời bổ sung nhiều quy định theo hướng giảm quy trình thủ tục, đa dạng hóa hoạt động của các TCTD, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn và dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. NHNN 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, giảm lãi suất cho vay và chi phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; tạo hành lang pháp lý để các TCTD cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Đặc biệt việc cho phép các TCTD sử dụng xác thực định danh điện tử eKYC đưa mục tiêu xây dựng “ngân hàng không khoảng cách”, “ngân hàng bỏ túi" trở thành hiện thực.

NHNN cũng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN (Quyết định số 1205/QĐ-TTg ngày 18/10/2023), trong đó đề xuất đơn giản hóa 10 TTHC thuộc lĩnh vực hoạt động công nghệ thông tin. NHNN đã ban hành kịp thời 02 Thông tư để thực thi 100%, hoàn thành đúng thời hạn Phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời chủ động rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá 49 TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của NHNN.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, năm 2023 “Việt Nam đã thực thi chính sách tiền tệ khác biệt, mang tính đột phá so với các nước trên thế giới”. Những nỗ lực trong CCHC của NHNN góp phần vào thành quả phát triển kinh tế đất nước và một lần nữa được Chính phủ, các bộ, ngành ghi nhận thông qua PAR INDEX năm 2023 khi NHNN năm thứ 2 liên tiếp trong công tác chỉ đạo điều hành tại tiêu chí “Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao” đạt tỷ lệ tối đa điểm số (100%). Sự quan tâm, đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho các nhiệm vụ cải cách và kiểm soát TTHC cũng đưa NHNN tiếp tục có bước tiến trong công tác này, đứng đầu Chỉ số thành phần “Cải cách TTHC" với giá trị là 97%, tăng 2,7% so với năm 2023. Con số này càng đáng quan tâm trong bối cảnh chỉ số thành phần “Cải cách TTHC” của các bộ, ngành có giá trị trung bình là 82,14%, giảm tới 6,90% so với năm 2022. NHNN cũng đạt giá trị cao nhất tại Tiêu chí thành phần “Tính kịp thời trong việc phát hiện và xử lý các bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện VBQPPL” với giá trị 94,19%.

Năm 2024, nền kinh tế được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, bằng chính nỗ lực cải cách để phát huy tối đa các nguồn lực, để hoàn thành đồng thời nhiều nhiệm vụ vừa kiểm soát tốt lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường đầu tư vốn tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Trong đó, NHNN tiếp tục đẩy mạnh CCHC với 3 đột phá. Một là, tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán và phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho các TCTD, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Hai là, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ tại NHNN. Hình thành môi trường, cách thức vận hành công việc trong hệ thống NHNN dựa trên dữ liệu và công nghệ số, đáp ứng định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đảm bảo sự phát triển bền vững, gắn với xu thế phát triển của ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên số.

Theo thoibaonganhang.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank